Dạy nghề “mở” tạo việc bền vững cho nông dân

Dạy nghề “mở” tạo việc bền vững cho nông dân
Dạy nghề - đào tạo “mở” nghĩa là phải linh hoạt trong đào tạo, thực hành liên kết, kết nối nhiều đơn vị nhằm tạo việc làm bền vững cho lao động.

Hướng tới dạy nghề mở

Mới đây, trong hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp – việc làm bền vững”, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, đào tạo mở là hướng đi tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam.

 day nghe “mo” tao viec ben vung cho nong dan hinh anh 1

 Tưới rau chỉ bằng nút nhấn điện thoại của nông dân thời 4.0. (Ảnh minh họa) Minh Nguyệt

"Tôi cho rằng, đào tạo nghề theo hướng mở là việc làm cần thiết giúp đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn (không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp) nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, nông nghiệp hoá nông thôn hướng tới tạo việc làm bền vững”.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội

“Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Các loại hình đào tạo đa dạng sẽ đáp ứng nhu cầu của người học và khuyến khích họ tiếp nhận những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội” – ông Diệp nhấn mạnh.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia lĩnh vực đào tạo cũng cho rằng, việc đào tạo nghề theo hướng mở sẽ giúp nhiều đối tượng khác nhau được học tập như: Người nghèo, người khuyết tật, thanh niên, nông dân, công nhân…

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho rằng, đào tạo nghề mở cũng mang lại nhiều thách thức. Giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt sẽ gặp những rủi ro liên quan đến chất lượng đào tạo, khó khăn trong việc thừa nhận và công nhận văn bằng, chứng chỉ kỹ năng và tổ chức thực hiện...

Nông dân hưởng lợi

Theo bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam, nông dân, lao động nông thôn cũng như lao động yếu thế chính là người được hưởng lợi lớn nhất từ việc thực hiện dạy nghề mở, hay giáo dục mở.

“Trước đây, nông dân nghĩ muốn học nghề phải tới trường tới lớp nhưng nay họ có thể học ở bất cứ đâu, trên điện thoại, ở trường, ở nhà trên máy tính hoặc ở trên chính cánh đồng, ao vườn của họ… Chỉ cần họ cập nhật được kiến thức, kỹ năng là coi như được học nghề. Thêm vào đó, học nghề mở cũng giúp người nông dân chọn lựa được hình thức phù hợp nhất, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính tò mò, ham hiểu biết nhằm hướng tới tạo việc làm bền vững” – bà Hằng nói.

Đương nhiên, việc dạy nghề theo hướng mở sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm cho lao động nông dân, lao động nông thôn. 

Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng dạy nghề mở sẽ giúp nông dân cập nhật kiến thức kỹ năng liên tục. “Học nghề qua mạng, nông dần còn có thể có cơ hội thực hành ngay tại vườn. Học nghề mở không chỉ giúp nông dân có kiến thức, kỹ năng mà còn giúp họ thực hiện liên kết, bao tiêu, mở rộng thị trường, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp” - ông Tiến nói.

Mặc dù vậy, theo ông Tiến, hiện nay việc đào tạo nghề mở, nhất là đào tạo nghề mở cho nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thực tế gần như ít nơi triển khai được. Nguyên nhân được chỉ ra là do hầu hết nông dân sống ở nông thôn, việc cập nhật công nghệ thông tin còn chậm. Thêm vào đó, chưa có nhiều đơn vị đào tạo có đủ trình độ, kỹ năng cũng như phương tiện để tiến hành đào tạo mở theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin như dạy từ xa, dạy trực tuyến… cho nông dân.

Nguyệt Tạ/http://danviet.vn