Để cánh đồng mẫu lớn "đơm hoa kết trái"

Để cánh đồng mẫu lớn "đơm hoa kết trái"
Được xem là ưu việt nhất của nền nông nghiệp sản xuất lúa gạo hiện nay, song mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần giải quyết.
 

Cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai tại ĐBSCL đến nay gần 2 năm với diện tích, số lượng nông dân, doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều. Bước đầu, kết quả rất khả quan khi nông dân giảm được giá thành sản xuất, năng suất cao; thu lợi nhuận tối đa; doanh nghiệp thu sản lượng lúa lớn, chất lượng cao, bán được giá..., đặc biệt không còn cảnh "trúng mùa, rớt giá", giải quyết hài hòa được lợi ich của doanh nghiệp và nông dân.

Khó đầu ra

Tuy nhiên, khi tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, giá cả lúa gạo không còn thuận lợi như năm 2011, mô hình đang được nhân rộng tại ĐBSCL với diện tích hơn 30.000 ha đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhược điểm, đặc biệt là khó khăn về đầu ra sản phẩm. Mối quan hệ giữa 2 chủ thể chính là nông dân-doanh nghiệp có dấu hiệu rạn nứt.

Theo báo Cần Thơ, trong vụ đông xuân vừa qua, Hợp tác xã Tân Cường (Đồng Tháp) đại diện nông dân ký hợp đồng bao tiêu 400ha lúa Jasmine với một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại địa phương. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng ghi nhớ, không có sự ràng buộc giữa 2 bên. Cho nên khi giá lúa sụt giảm, đơn vị này tìm đủ mọi lý do để "bỏ rơi" nông dân.

Ngược lại, cũng có hiện tượng khi giá lúa lên cao, nông dân sẵn sàng bỏ hợp đồng để bán cho doanh nghiệp khác hoặc thương lái bên ngoài, cảnh bị ép giá đi kèm với điệp khúc trúng mùa mất giá đang quay trở lại.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc mời gọi doanh nghiệp tham gia vào bao tiêu lúa hàng hóa ở cánh đồng mẫu lớn rất khó, có nhiều mô hình đã bị đổ, nguyên nhân do doanh nghiệp không ký hợp đồng bao tiêu.

Một hạn chế khác là do hệ thống lò sấy, kho chứa chưa đủ lớn, nên nhiều khi các doanh nghiệp dù cố gắng cũng không xử lý hết lượng lúa lớn của nông dân cùng một thời điểm.  

Ngoài ra, phương thức phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp là mua sản phẩm thông qua thương lái từ nhiều nguồn khác nhau, dẫn đến sản phẩm không cùng một giống, không cùng thời điểm thu hoạch, cách phơi sấy, chế biến… làm chất lượng gạo chưa cao.

Tránh khâu trung gian

Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, mô hình này giúp nông dân trồng lúa tốt nhưng chưa giúp họ bán được lúa, nên cần có sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước thì mô hình này mới thật sự bền vững.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khi mô hình được thực hiện đại trà trên diện tích lớn thì lo ngại lớn nhất là năng lực của các doanh nghiệp không đáp ứng. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng đủ kho chứa, nhà máy sấy để đảm bảo thực hiện hợp đồng.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp lại cho rằng Nhà nước nên tập trung đầu tư hệ thống kho chứa, lò sấy lúa và có thể đứng ra thu mua lúa gạo với giá đảm bảo có lợi cho nông dân với 2 mục tiêu: an ninh lương thực và thương mại. Đối với lượng lúa thương mại, khi thị trường thuận lợi, giá lên thì Nhà nước cho các doanh nghiệp đấu giá.

Đồng thời, có chính sách cho HTX vay vốn thu mua tạm trữ, cho nông dân ký gửi. Hệ thống các ngân hàng nên cho nông dân vay 1 năm chứ không theo mùa vụ vài tháng như hiện nay, nhằm giúp họ có điều kiện chờ giá lúa lên để bán, đảm bảo lợi nhuận…

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, để khắc phục khó khăn, hạn chế trong tiêu thụ lúa gạo tại các mô hình cánh đồng mẫu lớn, Bộ đã đề nghị các công ty thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại các tỉnh sẽ là đơn vị chủ trì, làm đầu mối liên kết nông dân và các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư “đầu vào” cũng như thu mua lúa gạo, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất của mỗi doanh nghiệp.

Bộ NNPTNT cũng đã đề xuất mô hình các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo tham gia liên kết thu mua lúa tại các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nếu doanh nghiệp tổ chức và bố trí tốt hệ thống thu mua (thương lái được đào tạo, máy sấy tốt, kho chứa xay xát…) và chủ động ký kết trước các hợp đồng xuất khẩu gạo ổn định theo chủng loại giống, giá cả, thời gian… thì mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ phát triển tốt, từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ những hạn chế trong việc mua tạm trữ lúa gạo thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ chủ trì cùng với các bộ ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực nghiên cứu xây dựng quy chế và phương thức mua tạm trữ lúa gạo mới, để bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, tránh khâu trung gian. Theo các chuyên gia, việc đảm bảo quyền lợi cho người trồng lúa sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để duy trì cánh mô hình sản xuất lúa đang chứng tỏ hiệu quả này.  

Thu Hà
Theo baodientuchinhphu.vn