Để có nông phẩm an toàn: Nâng cao trách nhiệm người sản xuất

Để có nông phẩm an toàn: Nâng cao trách nhiệm người sản xuất
(HNM) - Xác định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao nhận thức của hội viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn là công việc phải tiến hành thường xuyên trong năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, những năm gần đây, Hội Nông dân Hà Nội đã nhân rộng được nhiều mô hình "Nâng cao nhận thức và vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch", bước đầu góp phần làm người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.
Trong năm 2012, hội đã phối hợp với các ngành chức năng, các cấp hội tổ chức lồng ghép được 676 buổi tuyên truyền, vận động nông dân tham gia giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng ngộ độc trong các đám cưới, lễ hội và sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh việc duy trì tốt các mô hình trồng rau an toàn (RAT), trồng nấm tại các đơn vị, Hội Nông dân các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Hà Đông… đã từng bước nâng cao kiến thức, thay đổi tập quán sản xuất, chế biến thực phẩm của người nông dân. 
 
Chăm sóc rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Khánh Nguyên
Chăm sóc rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Khánh Nguyên

Với đặc thù thu nhập từ sản xuất rau, cây ăn quả chiếm tỷ trọng chính trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, từ 3 đến 4 năm nay, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông đã triển khai các mô hình sản xuất an toàn. Ông Nguyễn Tiến Phiệt, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết, phường có trên 400 hộ nông dân sản xuất RAT. Từ khi tham gia mô hình, người dân đã có ý thức hơn, không còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp tuyên truyền đi vào những vấn đề thiết thực như cách nhận biết, chọn thực phẩm an toàn, cách khử trùng, bảo quản thực phẩm đúng… Điều hay ở Yên Nghĩa là đã hình thành nhiều tổ, nhóm nông dân tự giám sát lẫn nhau, hộ nào sử dụng thuốc BVTV hoặc các loại thuốc khác ngoài danh mục, gây hại tới cộng đồng sẽ bị tẩy chay, lên án. Không chỉ tốt cho sức khỏe, môi trường, thu nhập bình quân hằng năm của các hộ nông dân trong vùng RAT cũng được nâng lên, đạt 100-150 triệu đồng/ha, vùng cây ăn quả đạt 150-200 triệu đồng/ha, vùng vườn hoa cây cảnh đạt 250-300 triệu đồng/ha. Tiêu biểu như mô hình cam Canh, bưởi Diễn của ông Nguyễn Bá Đãng, tổ dân phố số 5, với diện tích 3 sào đã cho thu nhập 350-400 triệu đồng/năm. 

Tương tự, tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, cũng đã hình thành các tổ, nhóm sản xuất rau hữu cơ, thu hút 82 hội viên tham gia với diện tích 6ha, chiếm 10% tổng diện tích trồng rau của xã. Theo bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã, mô hình này không chỉ bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện cho hội viên nâng cao kiến thức, kỹ thuật canh tác khoa học và hiệu quả. 

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, để tiến tới mục tiêu kiểm soát được chất lượng 90% nông sản trên địa bàn, vai trò của người nông dân hết sức quan trọng. Hội Nông dân Hà Nội xác định, đi đôi với tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Đi đôi với đó, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các vùng chuyên canh, mô hình sản xuất RAT, thực phẩm sạch về hạ tầng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư cho người nông dân, cũng như quản lý chặt chẽ khâu tiêu thụ sản phẩm sạch để họ yên tâm sản xuất.