Để đảm bảo an ninh nông nghiệp
- Thứ tư - 24/05/2017 23:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc rủi ro và bấp bênh về giá của các mặt hàng nông sản, khiến cho người nông dân chán nản, phải tính đến chuyện chuyển đổi ngành nghề. Nếu thực trạng này kéo dài chắc chắn có nguy cơ phá vỡ, mất cân đối trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây mất an ninh về lương thực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.
Người nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng vì giá bấp bênh |
Đơn cử, cùng thời điểm này của những năm trước đây, dãy chuồng lợn của hộ bà Nguyễn Thị Thành, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa luôn chật nức các loại lợn từ vài tuần đến 5-6 tháng, chuẩn bị xuất chuồng. Thế nhưng năm nay, chuồng trại trống trơn, thưa thớt 5-7 chuồng, với trên 200 con, số lợn này đáng ra đã xuất từ gần một tháng trước, nhưng giá giảm gần 50%, thương lái điện thoại không nghe máy… đó là chia sẻ của chủ trại Nguyễn Thị Thành.
Theo bà Thành, từ sau tết đến nay giá lợn liên tục lao dốc, mà chưa thấy dấu hiệu quay đầu. Buồn bã, chỉ tay về phía dãy chuồng lợn trống không bà Thành cho hay, đáng ra thời điểm này, các dãy chuồng đều chật, với số lượng đàn lợn trên 400 con. Song do giá lợn thịt rớt thê thảm, bán không có người mua; các thương lái ép giá, thu mua ở mức chưa đến 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn giống; thức ăn chăn nuôi lại cao ngất ngưởng, vậy nên xác định rủi ro cao thôi đành tạm dừng một thời gian để xem tình hình thị trường thế nào. Thả giống nuôi trong giai đoạn này nguy hiểm quá.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam cũng giống như một số ngành sản xuất nông nghiệp khác, chủ yếu mang tính tự phát, chưa có định hướng rõ ràng về quy hoạch vùng; chưa cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong trung và dài hạn, vậy nên dẫn đến những hệ lụy, rủi ro cho người nông dân. Ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ dễ bị tác động tiêu cực từ những biến động của thị trường.
Cùng đó, hoạt động chăn nuôi trong nước hiện nay thiếu tính liên kết trong chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có lợn. Nhất là người nông dân đầu tư theo cảm tính, thấy hiệu quả trước mắt là làm, chưa hoạch định được chiến lược phát triển lâu dài dẫn đến tình trạng phát triển chăn nuôi, tăng đàn một cách ồ ạt không theo quy hoạch gây mất cân đối cung cầu; gây nên hệ lụy của khủng hoảng thừa và giá sụt giảm là điều tất yếu.
Đơn cử, trong 2 tháng gần đây, giá lợn sập đáy thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, có thời điểm chỉ còn chưa được 50% giá so với cùng thời điểm trung bình nhiều năm gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Vấn đề này rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương cho ngành chăn nuôi Việt Nam và ảnh hưởng đến việc phát triển của ngành trong tương lai.
Sâu xa hơn, một khi người nông dân chán nản chuyển đổi ngành nghề, thì trong thời buổi kinh tế hội nhập sẽ tạo điều kiện cho một số DN, tổ chức kinh tế nước ngoài xâm nhập và thao túng, làm giá thị trường, sẽ gây tê liệt đối với hoạt động chăn nuôi truyền thống trong nước, có thể phương hại đến an ninh lương thực của quốc gia.
Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi lợn phát triển mạnh trong những năm gần đây đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người nông dân. Đặc biệt, ngành chăn nuôi lợn đã có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Song theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá lợn xuống rất thấp, gây thua thiệt cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và phụ thuộc thức ăn chăn nuôi bên ngoài. Nếu tình hình này kéo dài, các hộ chăn nuôi như thế này sẽ khó có thể tồn tại được.
Cũng theo bộ này, việc phát triển chăn nuôi lợn ào ạt của người nông dân trong thời gian gần đây, đang tạo nên sự mất cân đối cung cầu, gây hệ lụy không nhỏ với lĩnh vực chăn nuôi trọng yếu này.
Trước tình hình tăng “nóng” đàn lợn tại các địa phương trong thời gian qua, bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường và tiềm năng từng địa phương. Việc mở rộng quy mô đàn lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu thị trường, nhất là quy mô lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hoá sản phẩm và tránh rủi ro.
Đồng thời, khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có sự tham gia đầu tư kết nối thị trường của DN; tổ chức liên kết trong sản xuất dịch vụ của hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội với các hộ chăn nuôi.
Để đảm bảo hoạt động chăn nuôi trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nhà nước và chính quyền các địa phương cần có quy hoạch vùng chăn nuôi chuyên nghiệp, với quy mô lớn để dẫn dắt thị trường.
Cùng đó, phát triển đa dạng hoá phương thức chăn nuôi, cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ, thế mạnh của loại hình chăn nuôi hộ gia đình. Đồng thời, cần chọn hình thức hỗ trợ các chính sách phát triển thông qua DN, hợp tác xã, để hộ chăn nuôi được thụ hưởng các chính sách phải tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất.
Bài và ảnh Chí Thiện
http://thoibaonganhang.vn