Để đạt chuẩn tiêu chí về y tế ở 7 xã điểm xây dựng Nông thôn mới: Còn nhiều việc phải làm

Để đạt chuẩn tiêu chí về y tế ở 7 xã điểm xây dựng Nông thôn mới: Còn nhiều việc phải làm
Đạt chuẩn tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM) có vai trò quan trọng, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Theo lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015, tỉnh ta phấn đấu có 7 xã điểm xây dựng NTM tại các huyện, thành phố hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về y tế. Tuy nhiên, trong 7 xã điểm hiện mới có 2 xã đạt chuẩn về tiêu chí y tế là Mỹ Bằng (Yên Sơn), Kim Bình (Chiêm Hóa), các xã điểm còn lại để đạt tiêu chí y tế còn gặp nhiều không ít khó khăn và còn nhiều việc phải làm.

Bị điểm liệt và vướng một số tiêu chí
 


Trạm Y tế xã Bình Xa (Hàm Yên) mới được đầu tư xây dựng khang trang với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

 


Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM của các xã thuộc các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí thứ 15 về y tế yêu cầu tỷ lệ người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế (BHYT) phải đạt từ 20% trở lên và đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Căn cứ theo quyết định trên, tính đến nay, 7/7 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh ta đạt chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT vì các xã đó đều có tỷ lệ người tham gia BHYT đạt từ 51% trở lên. Nhưng việc thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã vẫn còn là nhiệm vụ khó khăn. Các xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế xã phải đạt trên 90/100 điểm, không bị điểm liệt và số điểm trong mỗi chỉ tiêu phải đạt trên 50% số điểm trở lên theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 của Bộ Y tế. Theo kết quả rà soát của trung tâm y tế các huyện, thành phố và kết quả phúc tra của Sở Y tế tại 7 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh mới có 2 xã đạt chuẩn là Kim Bình (Chiêm Hóa), Mỹ Bằng (Yên Sơn); 5 xã còn lại chưa đạt là An Khang (TP Tuyên Quang), Tân Trào (Sơn Dương), Bình Xa (Hàm Yên), Năng Khả (Nà Hang) và Thượng Lâm (Lâm Bình). Nguyên nhân chưa đạt vì các xã bị điểm liệt do trạm y tế thiếu phòng chức năng, bị xuống cấp, thiếu trang thiết bị y tế; tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt thấp… ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Y sỹ Lộc Công Ngôi, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, hiện nay, trạm mới có 3 phòng “đa chức năng” được sử dụng làm phòng khám bệnh, cấp thuốc, trực, tiêm… Do đó, trạm bị điểm liệt về tiêu chí 3 là cơ sở hạ tầng. Trạm chưa có bác sỹ, thiếu máy siêu âm đen trắng xách tay, máy điện tim, máy đo đường huyết nên trạm mới thực hiện trên 50% dịch vụ kỹ thuật trong 109 dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Trạm mới có gần 60 loại thuốc trong số 300 danh mục thuốc theo yêu cầu; tỷ lệ bệnh nhân được khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại mới đạt 10% so với quy định là từ 30% trở lên. Trước đây, trạm hoạt động lồng ghép với Phòng khám Đa khoa khu vực Thượng Lâm nên các tiêu chí khó đạt nhất là cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị, chỉ tiêu chuyên môn về khám chữa bệnh - phục hồi chức năng đều đạt. Nhưng từ khi trạm tách ra hoạt động độc lập thì mọi chỉ tiêu đều bị kéo xuống. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn xã có nhà tiêu hợp vệ sinh mới chỉ đạt trên 30% so với quy định từ 70% trở lên trong tiêu chí chuẩn. 

Cũng bị điểm liệt về tiêu chí cơ sở hạ tầng còn có Trạm Y tế các xã An Khang và xã Năng Khả. Trạm Y tế xã An Khang đã có đủ các phòng chức năng theo quy định nhưng do xây dựng đã lâu nên 2 dãy nhà của trạm xuống cấp nghiêm trọng, tường nhà bị nứt, bão đã làm tốc một phần mái, một số phòng chức năng không thể sử dụng được. Trang thiết bị y tế hiện đại nhất của trạm là máy khí dung, máy xét nghiệm nước tiểu 10 chỉ số, máy điện châm và bộ khám tai - mũi - họng, ống nghe. Trạm Y tế xã Năng Khả năm 2012 đã được đầu tư xây mới khối nhà cấp 4 nhưng mới chỉ có 7 phòng chức năng; trạm thiếu trang thiết bị y tế cần thiết, tỷ lệ sinh con thứ ba ở xã còn cao trên 15%, thiếu dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc theo quy định, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt thấp...

Trạm Y tế xã Bình Xa (Hàm Yên) đã được xây mới có đủ các phòng chức năng và trang bị một số máy móc khá hiện đại, nhưng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch toàn xã mới đạt 63% và số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt trên 30%. Còn Trạm Y tế xã Tân Trào đang hoạt động lồng ghép với Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Trào không bị điểm liệt về tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhưng trạm lại bị trừ nhiều điểm “phụ” vì thiếu nhà kho, bếp, hàng rào bảo vệ, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt thấp, tỷ lệ sinh con thứ ba còn cao, trên 15%.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

 

 


Trang thiết bị hiện đại nhất của Trạm Y tế xã An Khang (TP Tuyên Quang) chỉ có máy điện châm và máy khí dung.

 


Theo ông Hoàng Văn Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế, thực hiện bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020 là cấp thiết, phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Đề án “Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho trạm y tế xã”, giai đoạn 2011- 2020, tuy nhiên do thiếu nguồn kinh phí nên đề án vẫn chưa được triển khai. Việc nâng cấp sửa chữa, xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trong đó có 7 xã điểm xây dựng NTM đang được triển khai lồng ghép từ nhiều nguồn vốn, dự án, chương trình. Về tiêu chí nguồn nhân lực, ngoài Trạm Y tế xã Thượng Lâm mới tách hoạt động độc lập chưa bố trí được bác sỹ, thì các xã điểm còn lại đều có bác sỹ và cơ bản đáp ứng được cơ cấu nhân lực có số y sỹ, điều dưỡng, dược sỹ trung học theo quy định. Thực tế, xã Kim Bình và xã Mỹ Bằng đã đạt tiêu chí về y tế, “về đích” sớm so với lộ trình chung của tỉnh là cả hai xã cùng có trạm y tế hoạt động lồng ghép với phòng khám đa khoa trên địa bàn, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân xã thường xuyên được kiện toàn; các xã đã nhận được đầu tư từ các dự án, chương trình trọng điểm về xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế, chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường…

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng NTM tại 7 xã điểm, giai đoạn 2013- 2015 (Kế hoạch số 06/KH-UBND, ngày 6- 2- 2013 của UBND tỉnh), lộ trình đến năm 2014 có 7/7 xã điểm phải đạt tiêu chí y tế. UBND tỉnh đã có kế hoạch sử dụng các nguồn vốn (ngân sách tỉnh, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, y tế, nước sạch vệ sinh môi trường và lồng ghép từ các chương trình khác) đầu tư cho 7 xã điểm, gồm: Xây mới Trạm Y tế xã An Khang; mua bổ sung trang thiết bị cho trạm y tế các xã An Khang, Mỹ Bằng, Bình Xa và Năng Khả; nâng cấp cải tạo 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ lãi suất cho người dân xây mới 1.545 hầm Biogas, 4.600 nhà tiêu hợp vệ sinh, 5.105 chuồng trại chăn nuôi, xây mới 4.164 nhà tắm hợp vệ sinh với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. 

Đồng chí Quan Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, khó nhất để xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là trạm thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Theo Quyết định số 293/QĐ - TTg, ngày 5-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện nghèo được áp dụng cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng bằng 70% so với mức đầu tư tại 62 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP, xã được UBND huyện phân bổ 5 tỷ đồng xây dựng mới trạm Y tế xã có đủ các phòng chức năng, trang thiết bị theo quy định. Chính quyền và các đoàn thể xã đã đẩy mạnh công tác vận động nhân dân xây dựng nhà tiêu, nhà tắm đạt tiêu chuẩn và di dời chuồng trại gia súc xa nhà, hưởng ứng chương trình hỗ trợ xây hầm Biogas theo chính sách của tỉnh. Trong năm 2013, xã phấn đấu hoàn thành xây mới trên 200 hầm Biogas ở các thôn. 

Bác sỹ La Đăng Tái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nà Hang cho biết, Trung tâm đã đề xuất với UBND huyện cấp thêm kinh phí xây dựng các phòng chức năng cho Trạm Y tế xã Năng Khả. Thời gian tới, tỉnh trang cấp đủ các trang thiết bị y tế sẽ giúp trạm thực hiện đủ các dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu. Trung tâm cũng đã có kế hoạch làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện lựa chọn các phương án cung cấp đủ danh mục các loại thuốc cho Trạm Y tế xã Năng Khả trong thời gian tới. Ngoài ra, trung tâm sẽ cử cán bộ phối hợp với cán bộ trạm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường…, phấn đấu để xã Năng Khả đạt chuẩn tiêu chí về y tế theo lộ trình xây dựng NTM của tỉnh. 

Để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã tại các xã điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ khó khăn cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau từ nguồn vốn Trung ương, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và nguồn xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế tỉnh cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền để hoàn thành tiêu chí về y tế, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

 

 

Ông Tô Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương:

Phân bổ nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế

 

Hiện nay, để đạt tiêu chí về y tế tại xã điểm của huyện trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đang gặp khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất đều bị xuống cấp; các thiết bị y tế khám, chữa bệnh cho nhân dân đã cũ, không đồng bộ nhưng chưa được bổ sung, thay mới; nhiều công trình vệ sinh trong dân cư chưa đủ tiêu chuẩn. 

Trước những khó khăn đó, UBND huyện đã có kế hoạch phân bổ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại. UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân đầu tư xây dựng, di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm đủ tiêu chuẩn, đáp ứng tiêu chí về y tế trong xây dựng NTM.



Ông Trần Văn Ninh, thôn Thúc Thủy, xã An Khang (TP Tuyên Quang):


Mong trạm y tế xã được xây mới

Hiện nay, Trạm Y tế xã An Khang (TP Tuyên Quang) đã xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị y tế lạc hậu. Chúng tôi rất ngại khi đến khám, điều trị tại trạm mỗi khi đau ốm vì lo các phòng chức năng của trạm có thể sập bất cứ lúc nào, nhất là khi có gió bão. Tình trạng người dân không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại trạm và khám, chữa bệnh vượt tuyến là điều dễ hiểu. Vì vậy, chúng tôi mong tỉnh, thành phố đầu tư xây dựng trạm y tế mới có đủ các phòng chức năng, trang thiết bị y tế  phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.


 

 

Bài, ảnh: Lý Thịnh
Nguồn:baotuyenquang.com.vn