Để dừa trở thành cây trồng chủ lực vùng Nam Trung bộ: Mơ ước phủ kín dừa dải ven biển miền Trung

Để dừa trở thành cây trồng chủ lực vùng Nam Trung bộ: Mơ ước phủ kín dừa dải ven biển miền Trung
Nếu vùng Nam Trung bộ phủ kín dừa trên dải đất cát ven biển với diện tích có thể đạt đến 300.000 – 400.000 ha thì sẽ hình thành nên vùng nguyên liệu tập trung, tạo nền móng để tiến tới chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, vừa nâng cao giá trị cây dừa vừa tăng thu nhập cho nông dân.

Đưa lên hàng cây trồng chủ lực

Bình Định, địa phương được đánh giá có diện tích dừa lớn đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh với diện tích gần 10.500ha, tập trung tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Ân. Đây là cây trồng chịu hạn, chịu mặn, có thể trồng trên mọi chân đất, nhất là đất cát ven biển, ngành nông nghiệp Bình Định quyết tâm khai thác hết tiềm năng của cây dừa, đưa cây dừa lên hàng cây trồng chủ lực.

16-36-32_1
Sản phẩm tinh dầu dừa của HTXNN Ngọc An (huyện Hoài Nhơn Bình Định) tuy có giá khá cao nhưng kém xa các sản phẩm từ dừa cao cấp khác. (Ảnh: Đăng Lâm).

Dừa là loại cây trồng có thể tận dụng từ ngọn đến thân. Ngoài nước dừa là loại nước giải khát rất được ưa chuộng. Nước dừa nằm trong quả nên người tiêu dùng không ngại về VSATTP, ngọt tự nhiên, thanh mát. Nước dừa còn được dùng để sản xuất thạch dừa. Còn cơm dừa già thì được sử dụng để chiết xuất ra tinh dầu dừa, vỏ cứng của dừa (gáo dừa) được dùng làm nguyên liệu sản xuất than hoạt tính. Xơ của quả dừa khô cũng được tận dụng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, sợi dừa được làm thành những món hàng thủ công mỹ nghệ, cọng dừa làm chổi…

Địa phương phát triển mạnh các sản phẩm từ dừa nhất Bình Định là huyện Hoài Nhơn. Với lợi thế trên địa bàn có khoảng 3.000ha dừa, chiếm hơn 90% trong đó là dừa đã kinh doanh, phục vụ chế biến.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện có 118 cơ sở và hộ dân thu mua quả dừa; 186 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa như: Tinh dầu dừa, bánh tráng nước dừa, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa…

Tuy cây dừa đang mang lại nhiều nguồn lợi thiết thực, nhưng hiệu quả kinh tế của nó vẫn chưa tương xứng. Phần lớn diện tích dừa tại Bình Định được trồng trên đất nghèo dinh dưỡng, chưa được đầu tư thâm canh, cây dừa bị nhiều loại sâu bệnh gây hại, phát triển không đồng đều. Việc nghiên cứu, lựa chọn các giống dừa mới có năng suất, giá trị kinh tế cao để thay thế diện tích dừa lâu năm cũng chưa được quan tâm. Giá dừa quả không ổn định, ví như hiện nay giá dừa khô chỉ 4.000đ – 5.000đ/quả, thấp hơn nhiều so với những năm trước nên thu nhập người trồng dừa không cao, nông dân không muốn đầu tư cải tạo vườn dừa.  

Nguyên liệu tập trung và chế biến sâu

Ngành chế biến các sản phẩm từ dừa ở các tỉnh Nam Trung bộ còn thô sơ, trong khi diện tích dừa nằm rải rác, chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung. Không như ở những xứ dừa Srilanka và Philippines, ở những nước này, ngành dừa được công nghiệp hóa từ khâu trồng đến chế biến, nhờ đó cây dừa phát huy hiệu quả kinh tế rất cao.

16-36-32_2
Bóc vỏ dừa khô lấy xơ chế biến hàng thủ công mỹ nghệ. (Ảnh: Đăng Lâm).

Ông Nguyễn An Điềm, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty PISICO Bình Định, một người rất mê dừa. Ông từng thân chinh sang tận Srilanka và Philippines để học tập công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa.

Theo ông Điềm, dừa ở các nước nói trên được chế biến ra những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao. Ví như cơm dừa ở Bình Định chỉ được dùng để chiết xuất ra tinh dầu dừa, làm kẹo dừa hoặc bánh tráng nước dừa thì cơm dừa ở Srilanka và Philippines được làm ra sữa và kem dừa dưỡng da; hoặc dùng cơm dừa sấy khô chế biến nhân bánh sôcôla, nhân các loại bánh lương thực khác. Thậm chí họ còn xuất khẩu cơm dừa sang châu Âu. Còn ở Trung Quốc họ dùng cơm dừa ép ra 1 loại nước giải khát được gọi là sữa dừa có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, các bậc cha mẹ dùng để phát triển thể chất cho trẻ em.

“Trong khi đó, cơm dừa của mình thì chỉ dùng để ép lấy dầu. Dầu dừa ép thủ công không thể cạnh tranh với các loại dầu ăn công nghiệp khác, nên có giá trị rất thấp. Hiện nay, HTXNN Ngọc An ở huyện Hoài Nhơn đã chiết xuất được tinh dầu dừa có giá trị khá cao, nhưng vẫn kém xa các sản phẩm cao cấp khác. Chỉ xơ dừa của mình mới chỉ được làm nguyên liệu để dệt thảm chùi chân hoặc làm dây dừa, còn ở Nhật Bản thì chỉ xơ dừa được dùng sản xuất nệm ghế xe ô tô cao cấp.

Mút cao su làm nệm ghế xe ô tô không có sức hút tự nhiên, gây hại cho sức khỏe. Người tiêu dùng các nước tiến bộ chỉ ưa chuộng nệm ghế ô tô làm bằng xơ dừa, bởi xơ dừa hút ẩm, hút mồ hôi rất tốt. Muốn nâng cao giá trị cây dừa, mình phải có doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm cao cấp. Muốn được vậy trước mắt phải xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung”, ông Điềm chia sẻ.

16-36-32_nh_3_du
Cơ sở dệt thảm xơ dừa tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định). (Ảnh: Đăng Lâm).

Theo Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, khi đã hình thành được vùng nguyên liệu dừa trên dải đất cát ven biển, hàng năm, sau những mùa bão lũ, Chính phủ sẽ “nhẹ gánh” với công tác khắc phục, bởi đã có “bức bình phong” dừa che chắn phía biển. Thêm vào đó, vùng đất phía trong có thể yên tâm phát triển cây ăn trái. Lợi thế cây trái vùng Nam Trung bộ là bất cứ loại cây nào ở Nam bộ có thì vùng Nam Trung bộ cũng có thể trồng được.

“Mùa mưa ở Nam bộ bắt đầu từ tháng 4 hàng năm, kết thúc vào tháng 10. Còn mùa mưa ở vùng Nam Trung bộ bắt đầu từ tháng 9, kết thúc vào tháng 12. Sự chênh nhau về thời tiết này vô tình tạo ra sự đơm hoa đậu quả trái mùa. Mùa cây ăn quả ở Nam bộ vừa dứt là mùa cây ăn quả ở Nam Trung bộ bắt đầu. Việc cung ứng cây ăn quả ở Việt Nam sẽ liên tục theo kiểu cuốn chiếu, một lợi thế không nhỏ khi tiếp cận thị trường thế giới”, Tiến sĩ Cường phân tích.

“Để có thể hình thành vùng nguyên liệu trên vùng đất cát ven biển, tạo lợi thế cho ngành dừa, nhất là khi tính tới chế biến sâu, cần Chính phủ và Bộ NN-PTNT vào cuộc định hướng và kêu gọi đầu tư. Được vậy, một bộ phận không nhỏ nông dân trong vùng sẽ được hưởng lợi nhờ hiệu quả kinh tế từ cây dừa mang lại. Cái lợi lớn hơn là khu vực Nam Trung bộ có được “lá chắn bão” vững chãi, làm giảm thiểu thiệt hại do gió bão gây ra”, Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.
 Theo VŨ ĐÌNH THUNG/ nongnghiep.vn