Để không là “lớp vỏ” hình thức

Để không là “lớp vỏ” hình thức
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) với 55 xã hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, đối với các xã đã hoàn thành xây dựng NTM, việc quản lý sau đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình sao cho hiệu quả. Đặc biệt, làm thế nào để đời sống người dân thực sự được nâng cao, mô hình NTM không mang tính hình thức vẫn là băn khoăn từ cơ sở.
 
Nhiều xã của huyện Thanh Trì đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Ảnh: Duy Anh
Nhiều xã của huyện Thanh Trì đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Ảnh: Duy Anh


Mặc dù không phải là xã xây dựng điểm NTM của huyện Thanh Trì, nhưng đến hết năm 2013, xã Tứ Hiệp đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM với điểm nhấn là môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; hệ thống hạ tầng như trường, trạm, nhà văn hóa, đường giao thông khang trang... Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Trương Đức Long, mặc dù đã hoàn thành xây dựng NTM, song địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử, một số tuyến đường giao thông ngõ, xóm dù đã được cứng hóa, nhưng vẫn còn hẹp. Tuy nhiên, việc mở rộng là rất khó, bởi Tứ Hiệp là xã ven đô, địa phương không có đủ kinh phí để đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, diện tích đất ở tại các gia đình đều hạn chế, đất đai giá trị cao nên không dễ vận động các hộ hiến đất. Ngoài ra, môi trường ở địa phương dù đã xanh, đẹp, song đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục mới giữ được; còn với các công trình được đầu tư hàng chục tỷ đồng như nhà văn hóa, khu thể thao ở các thôn, thì quản lý thế nào, kinh phí ở đâu để duy tu, bảo dưỡng và khai thác hiệu quả vẫn là câu hỏi lớn dù thu nhập bình quân đầu người trong xã đã đạt tới 27 triệu đồng/năm. Hiện cả xã Tứ Hiệp có khoảng 2.000 người, chiếm 30% dân số tập trung ở độ tuổi trung niên đang rất thiếu việc làm. Chính quyền địa phương đã đi nhiều nơi để học tập các mô hình chăn nuôi, mây tre đan, dệt thảm… nhưng đều không phù hợp với thực tiễn địa phương. Dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Tứ Hiệp còn 170ha, nhưng hầu hết đã nằm trong các quy hoạch sẽ được thu hồi trong thời gian tới nên không dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được.

Nếu như Tứ Hiệp khó khăn trong tạo việc làm cho người lao động, thì tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì), địa phương điểm NTM của thành phố cũng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, nhưng những mô hình sản xuất, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của người dân vẫn chưa nhiều. Địa phương đã quy hoạch các khu nuôi trồng thủy sản, canh tác cây ăn quả, rau an toàn, song các dự án này vẫn dang dở. "Gần đây, Đại Áng đã vận động nhân dân chuyển đổi 3ha sang trồng chuối tại khu đồng Dền, Ao Viên nhưng do không hợp thổ nhưỡng, cây trồng còi cọc, chất lượng quả thấp. Trăn trở nhất đối với địa phương hiện nay là tìm được những mô hình sản xuất phù hợp để đưa về địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập" - Chủ tịch UBND xã Đại Áng Trần Quốc Oai cho biết. Những trăn trở của lãnh đạo xã Đại Áng, Tứ Hiệp cũng là khó khăn chung của rất nhiều xã xây dựng NTM trên địa bàn thành phố, nhất là đối với các xã thuần nông. Cụ thể là, huyện Thanh Trì có 6/15 xã hoàn thành xây dựng NTM. Trong 3 năm đã xây mới được 36 nhà văn hóa thôn, cải tạo 6 nhà văn hóa, góp phần hoàn thành chỉ tiêu 100% số thôn có nhà văn hóa; hoàn thành hơn 110km đường giao thông thôn, xóm với tổng mức đầu tư là 434 tỷ đồng… Để khai thác, quản lý tốt công trình sau đầu tư, huyện đã yêu cầu các xã phải xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, gắn trách nhiệm của người dân, tập trung công tác tuyên truyền về ý thức giữ gìn, phát huy hiệu quả các chương trình xây dựng NTM.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho rằng, đối với các xã đã hoàn thành xây dựng NTM, định kỳ sẽ được Ban chỉ đạo thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá đúng thực chất các tiêu chí. Trong số 19 tiêu chí, ngoài những tiêu chí cứng về xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư đạt chuẩn, còn có các tiêu chí mềm như môi trường, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… cần quan tâm, duy trì thường xuyên, nếu không rất khó giữ. "Các tiêu chí văn hóa, an ninh trật tự, hệ thống chính trị… tuy không mất nhiều kinh phí, song lại tác động rất lớn đến phong trào xây dựng NTM và rất dễ "tuột" mất nếu không được quan tâm thường xuyên, kịp thời. "Do đó, dù đã hoàn thành xây dựng NTM, các địa phương vẫn cần quan tâm phát triển và nâng cao các tiêu chí, phải xây dựng được các hương ước, quy chế để quản lý và khai thác hiệu quả công trình" - bà Huyền cho biết thêm. 

Xây dựng NTM không dừng lại ở việc hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát triển thành quả đã đạt được; đồng thời đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống người dân. Bởi với người dân, nếu đời sống vật chất, tinh thần chưa được nâng cao thì xây dựng NTM cũng chỉ là "lớp vỏ" hình thức.

Sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, Hà Nội đã huy động được hơn 16.000 tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông thôn, góp phần cải thiện và làm thay đổi diện mạo nhiều làng quê. Từ xuất phát điểm mỗi xã chỉ có 1 tiêu chí đạt và cơ bản đạt (năm 2010), đến nay hầu hết các xã đều đạt và cơ bản đạt trung bình từ 8 tiêu chí trở lên. Toàn thành phố đã có 55 xã hoàn thành xây dựng NTM, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập trung bình khu vực nông thôn đạt 23,7 triệu đồng/người/năm...
 
Nguyễn Mai
Nguồn hanoimoi.com.vn