Để mỗi tấc đất hóa “tấc vàng” Gắn kết nông dân với đồng ruộng

KTĐT - Để người nông dân gắn bó và làm giàu từ đồng ruộng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải quy hoạch, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Cùng với đó, Nhà nước cần có sự điều chỉnh trong các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.
Quy hoạch lại sản xuất
 
Trong khi một số địa phương có hiện tượng nông dân bỏ ruộng, trên địa bàn Hà Nội vẫn có những địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, từ năm 2010 đến nay, UBND xã đã có chủ trương chuyển đổi các diện tích đất xen kẹt, đất trũng bỏ hoang, cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh nhằm giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, hiện nay tại vùng bãi sông Đáy của huyện đang phát triển mạnh một số loại cây ăn quả đặc sản như nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh, phật thủ, cam Canh... dần thay thế cho một số cây rau màu ngắn ngày. Thời gian tới, huyện sẽ phát triển diện tích cây ăn quả có giá trị cao khoảng 1.000ha, tập trung vài ba giống cây trồng chủ lực là nhãn, bưởi, phật thủ.
 
Nông dân Tây Tựu thuê đất trồng hoa tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Nông dân Tây Tựu thuê đất trồng hoa tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Huyện Đan Phượng cũng là một ví dụ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công. 5 năm qua, huyện đã chuyển đổi được 447ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, hoa, rau an toàn có giá trị kinh tế cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện chuyển đổi được 90ha, nâng tổng số diện tích chuyển đổi sản xuất cây có giá trị kinh tế tập trung toàn huyện đạt 914,9ha, trong đó sản xuất rau 499ha, trồng hoa 344ha. Nhờ tích cực chuyển đổi, giá trị canh tác bình quân trên địa bàn huyện đạt 204 triệu đồng/ha/năm, trong đó mô hình sản xuất hoa ly ở xã Hạ Mỗ cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, đối với diện tích vùng trũng như tại các xã Tân Lập, Tân Hội, huyện đã và đang chỉ đạo địa phương chuyển đổi sản xuất sang mô hình lúa – cá. Đến nay diện tích chuyển đổi đạt gần 12ha.
 
Điều đáng mừng nữa là tại một số địa phương, người dân lại tích cực đi thuê đất ruộng ở nơi khác để mở rộng sản xuất, trong đó nổi bật là nông dân xã Tây Tựu (Từ Liêm) và một số xã của huyện Mê Linh đi thuê ruộng để trồng hoa. Hơn nữa, hiện nay việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng là một trong những bước đi quan trọng nhằm hạn chế tình trạng bỏ ruộng của người dân. Tính đến nay, toàn TP dồn điền đổi thửa được trên 35.000ha, đạt 45% tổng diện tích có thể dồn đổi.
 
Ông Hoàng Thanh Vân – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đối với diện tích thuận lợi trồng lúa, Sở đã chỉ đạo đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các giống lúa chất lượng cao. Hiện, TP có 40 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện ngoại thành với tổng diện tích 47.000ha, giá trị đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Đối với vùng đồi gò, vùng bãi, tập trung phát triển cây ăn quả, mở rộng diện tích trồng hoa chất lượng cao và phát triển các khu chăn nuôi tập trung xa dân cư…
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng khẳng định, biện pháp chính để giải quyết tình trạng nông dân bỏ ruộng là phải tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo ông Phát, cần thiết phải duy trì quỹ đất lúa vì lợi ích trước mắt và lâu dài, nhưng trên đất lúa bà con có thể chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. “Đã đến lúc phải chuyển từ nền nông nghiệp tập trung cho sản lượng sang một nền nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng để làm tăng thu nhập cho nông dân” – ông Phát chia sẻ.
 
Điều chỉnh chính sách
 

Bên cạnh việc quy hoạch lại sản xuất, để nông dân thêm gắn bó với đồng ruộng, các địa phương cần chủ động biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn nảy sinh trong quá trình canh tác. Một ví dụ điển hình tại huyện Sóc Sơn cho thấy rõ điều đó. Vụ mùa 2013, do chưa kịp hoàn thành dồn điền đổi thửa, hai xã Xuân Thu và Kim Lũ, huyện Sóc Sơn có khoảng 30ha đất lúa có nguy cơ bị bỏ hoang. Trước tình hình đó, UBND huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ 5 tấn phân bón NPK và 1,2 tấn thóc giống, đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương vận động người dân cấy lúa, không bỏ ruộng hoang. Đặc biệt, huyện còn đề nghị tổ dịch vụ làm đất, mạ khay máy cấy của các xã Mai Đình và Tân Hưng đến giúp người dân hai xã trên kịp hoàn thành thời vụ.
 
 
Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 231 triệu đồng/ha; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 3%; diện tích trồng rau an toàn tập trung đạt 5.500ha; diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt 2.160ha… Mỗi năm chuyển đổi được từ 200 – 250ha ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Một vấn đề rất quan trọng để tạo lực “hút” nông dân về với đồng ruộng hiện nay theo các chuyên gia là Nhà nước cần có sự thay đổi trong các chính sách đối với nông nghiệp, nhất là chính sách điều hành giá cả và cung cầu thị trường. Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường quản lý đối với thị trường vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, chống hàng giả, hàng nhái kém chất lượng để giảm chi phí đầu vào cho người nông dân. Cùng với đó có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng được nhiều nông dân quan tâm là chính sách về ruộng đất, giao đất lâu dài.
 
 Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam nhận định, hiện chúng ta có nhiều chính sách nhưng đến tay nông dân không được nhiều. Do đó, thay vì hỗ trợ tác động vào thị trường như hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân như giống, các yếu tố đầu vào sản xuất. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương cần phải vào cuộc để tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh nông sản một cách chặt chẽ hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp lãi nhưng nông dân lỗ và ngược lại.
 
Hiện nay, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đánh giá tình hình và làm rõ các giải pháp cần thúc đẩy thực hiện trong thời gian tới. Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tiến hành kiểm tra, thống kê tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng và đề xuất các giải pháp khắc phục. Hy vọng, bài toán giải quyết tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ sớm có lời giải.

 
Thiên Tú
theo ktdt