Để nông dân là chủ thể của nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 5 năm triển khai đã tạo nên “sự thay da đổi thịt” cho nhiều vùng nông thôn... Dẫu vậy, so với mục tiêu phát triển chung, vẫn còn những vấn đề cần phải được mổ xẻ, rút kinh nghiệm và điều chỉnh.

Làng quê chuyển mình

Điều ấn tượng nhất sau chặng đường đầu tiên xây dựng NTM đối với nhiều địa phương chính là sự chuyển đổi tư duy của người nông dân, từ chỗ phần đông trông chờ, ỷ lại đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực xây dựng NTM. Nhiều mô hình “cánh đồng lớn” đã ra đời, hiệu ứng liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, các tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản cũng đã được thiết lập, và phát huy hiệu quả cao...

Muốn thành công trong việc xây dựng NTM, điều cốt tử là địa phương phải nhận thức đúng đắn, quyết tâm triển khai để các bước đi không mang tính phong trào, hình thức. Chỉ khi xây dựng NTM trở thành quá trình thường xuyên, liên tục, thì mới mang lại những đổi thay về diện mạo và hệ thống hạ tầng nông thôn, cải thiện cả về thu nhập và trình độ nhận thức của người dân…

Không gượng ép quá sức dân

Phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương, song vẫn còn những hạt sạn trong thực thi NTM. Thậm chí, có nơi, có chỗ chạy theo thành tích, đầu tư các công trình không sát với thực tế gây lãng phí, và làm cho vốn xây dựng cơ bản không có khả năng trả nợ; một số địa phương huy động nguồn lực quá sức dân… Điều ấy tạo nên nghịch lý, còn những huyện có tới 28% số hộ nghèo, chênh lệch thu nhập ngày càng doãng rộng...

Xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Vấn đề phát huy vai trò chủ thể của người dân phải thật sự đặt lên hàng đầu. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải được xem là giải pháp quan trọng. Bởi khó vạn lần dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng... thì mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới năm tiêu chí… mới có thể được hiện thực hóa.

Chương trình xây dựng NTM đã, đang trở thành phong trào sâu rộng, được lòng dân và huy động sự tham gia của toàn dân vì mục tiêu cuối cùng là xây dựng đời sống mới, chăm lo lợi ích thiết thực cho người dân. “Vấn đề đặt ra đối với công tác lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thật sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân…”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM vừa diễn ra tại Hà Nội.

Kết quả sau 5 năm thực hiện, cả nước đã có 1.298 xã và 11 huyện đạt chuẩn NTM; hơn 22 nghìn mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoạt động hiệu quả; mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm, tăng gần gấp hai lần so với năm 2010…

 

Theo Nhân dân