Để phát triển Hợp tác xã: Cần có môi trường chính sách thuận lợi

(Cổng ĐT HND) - Sáng nay ( 27/3), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tổ chức Liên minh Chiến lược Tập thể Bỉ (CSA), Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (Asiadhrra), Hội Nông dân Châu Á (AFA) tổ chức hội thảo “ Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm về hợp tác xã nông nghiệp tại Việt Nam và cung cấp các dịch vụ tư vấn giúp phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp” do Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội NDVN Lều Vũ Điều chủ trì.
Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội NDVN Lều Vũ Điều phát biểu khai mạc Hội thảo
Tới dự hội thảo có ông Florante Villas, đại diện Tổ chức Phát triển nguồn Nhân lực Nông thôn Châu Á; Bà Esther Penunia, Tổng Thư ký, Hội Nông dân châu Á vì sự phát triển nông thôn bền vững; đại biểu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Liên Minh HTX Việt Nam, các trường Đại học, viện nghiên cứu; các đại biểu từ các tổ chức PCP trong nước và quốc tế như VietDhrra, Agriterra( Hà Lan), We Effect( Thụy Điển) Hội Nông dân châu Á,  CSA Bỉ , FFD( Phần Lan), HTX Natcoo ( Philippin); các đại biểu đại diện cho Hội Nông dân, các HTX của 10 tỉnh và thành phố.

 
Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, mô hình thành công và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận thị trường, chuỗi giá trị và cung cấp các dịch vụ cho hội viên; cung cấp các thông tin, tài liệu tổng kết của các hợp tác xã về những hình thức can thiệp, hỗ trợ hiệu quả nhất. Xác định các nội dung chính ưu tiên để có thể giúp tăng trưởng, tăng cường năng lực cho hợp tác xã nông nghiệp bao gồm cả các cơ chế hợp tác giữa các hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập; giúp hiểu sâu hơn về sự biến động của các hợp tác xã nông nghiệp theo nguyên tắc quốc tế  được đưa ra bởi Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA). Đồng thời thu thập các ý kiến quan trọng về quá trình chuyển đổi từ HTX kiểu cũ lên HTX kiểu mới theo luật hợp tác xã 1997 và sửa đổi 2012. 
 

 Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội NDVN Lều Vũ Điều nhận định: “Thời gian vừa qua, TƯ Hội NDVN đã tích cực phối hợp với các tổ chức như: Asiadhrra, CSA, AFA, We Effect nhằm giúp các tổ chức nông dân, các hợp tác xã nâng cao năng lực hoạt động, phát triển kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm, ký kết hợp đồng và tham gia các chuỗi cung ứng ra thị trường. Rất nhiều mô hình và phương pháp tiếp cận khác nhau đã được thực hiện để giúp cho các tổ hợp tác phát triển.”

 
Phó Chủ tịch TT cũng đề nghị các đại biểu, các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo cần chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đóng góp sáng kiến, đề xuất để cùng nhau hỗ trợ để HTX nông nghiệp thực sự trở thành công cụ để giảm nghèo, giúp nâng cao vị thế cho nông dân sản xuất nhỏ, tiếp cận thị trường, tạo ra giá trị sản phẩm.”

 
Tại Hội thảo, Ông Marek Poznanski, đại diện Tổ chức Liên minh Chiến lược tập thể Bỉ (CSA) chia sẻ: “Một trong những kinh nghiệm giúp tăng cường sự phát triển của HTX nông nghiệp đó là: Các hộ gia đình và các hợp tác xã phải có sự liên kết để có thể tương tác, hỗ trợ nhau. Để có thể cải thiện sự phát triển của các HTX, cần chú trọng đến quản trị nguồn nhân lực, khung pháp lý…”
Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo

 
Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT kiến nghị: Để chính sách phát triển HTX nông nghiệp phát huy tốt hiệu quả, cần nâng cao nhận thức, thống nhất nhận thức về HTX, phát triển HTX của các hộ tham gia; đồng thời nâng cao năng lực cán bộ hỗ trợ, đào tạo lực lượng tư vấn chuyên nghiệp.

 
Theo Th.s Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Cần triển khai đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ HTX như: Chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ chế tạo máy – tự động hoá; chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực vật liệu mới; chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm nông sản của thành viên và các hộ nông dân tham gia.
 

Bà Phạm Thị Lan, Trưởng Ban Kinh tế, Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang  lại cho rằng: Để có thể xây dựng được các mô hình HTX thành công, mang lại hiệu quả thực sự cho các hộ tham gia, trước mắt cần có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự phối hợp chỉ đạo của các cấp các ngành trong việc triển khai thực hiện để từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, vị trí vai trò của Tổ hợp tác nông nghiệp; tác động tích cực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 13 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 
Thông qua các kinh nghiệm, chia sẻ tại Hội thảo, các bên liên quan có dịp  đánh giá lại thực trạng phát triển của các hình thức kinh tế hợp tác nông nghiệp tại Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm với các nước đã có những cải cách và thúc đẩy kinh tế hợp tác và tổ chức nông dân chuyên nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và bàn giải pháp kích hoạt để loại hình tổ chức quan trọng này đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Năm 2003, cả nước có 14.000 HTX (bằng ¾ năm 1996, 19% năm 1986). Gần 380 nghìn tổ hợp tác. Năm 2013 có 19.800 HTX, tăng 41% so với năm 2003, song chỉ bằng 27% năm 1986, trong đó có 10.339 HTX nông nghiệp. Chỉ 9% HTX thực hiện tiêu thụ sản phẩm của xã viên. Năm 2014: chỉ có 769 HTX nông nghiệp đăng ký lại theo Luật HTX 2012. Đến năm 2015: chỉ có 997 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012 (chiếm 9,5% số HTX nông nghiệp).
 
Hoàng Minh
http://hoinongdan.org.vn