Để sản phẩm OCOP ‘bước chân’ vào chuỗi phân phối hiện đại
- Thứ tư - 22/01/2020 18:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản phẩm OCOP ngày càng chiếm niềm tin người tiêu dùng. Ảnh: Thùy Linh |
Bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho 12 tỉnh xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các hệ thống bán lẻ. Thông qua hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm OCOP đã ký kết tiêu thụ với các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài như Big C, Aeon...
Cùng với Chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" góp phần phát triển thị trường trong nước; thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt; tạo liên kết chặt chẽ từ người sản xuất đến người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước... giúp địa phương đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Nói về việc kết nối đưa nông sản vào hệ thống siêu thị Big C, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc của Big C cho biết, chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ các hộ nông dân và hợp tác xã với chiết khấu 0%, nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến người tiêu dùng thông qua kênh phân phối bán lẻ thực phẩm của Central Group như hệ thống siêu thị Big C, Big C & GO! Việt Nam. Trong số hơn 18.000 mã hàng nông sản thực phẩm được bán tại siêu thị Big C Thăng Long thì có tới 96% mã hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm của Hà Nội chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn với khoảng 200/18.000 mã sản phẩm (1,1%). Tuy số mặt hàng đưa vào siêu thị Big C Thăng Long không nhiều, nhưng giá trị sản lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hà Nội lại chiếm tỷ lệ cao (sản lượng sản phẩm rau, củ, quả tiêu thụ chiếm 15%; sản lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ chiếm 65%).
Là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm nông sản nói chung và OCOP nói riêng vào phân phối tại đơn vị mình, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long - cho biết, hiện trên các kệ của siêu thị Big C có 50 sản phẩm OCOP được bày bán. Người tiêu dùng đánh giá cao tính truyền thống và rất thích lựa chọn các sản phẩm OCOP; nhiều sản phẩm đạt doanh số cao như mỳ chũ Bắc Giang; giò me xứ Nghệ; nước mắm Cái Rồng Quảng Ninh...
Nhận định về hướng phát triển các sản phẩm OCOP của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code… Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng cấp thành phố (hạng 3-4 sao), 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia (hạng 5 sao). Để được công nhận, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; mẫu mã, bao bì đẹp...
Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ các sản phẩm OCOP thường xuyên thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm; sản lượng không ổn định, thường xuyên bị “đứt” nguồn cung; nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại...
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho rằng, để ổn định “đầu ra” cho các mặt hàng nông sản, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm ở những cơ sở sản xuất an toàn nhằm minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc. Các hợp tác xã, người sản xuất phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị...
Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển... Cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, để mở rộng thị trường tiêu thụ, đòi hỏi doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng; chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
Theo Thùy Linh/thanglong.chinhphu.vn