Mục đích của Hội là đoàn kết, hợp tác làm nòng cốt phát triển kinh tế “vườn, ao, chuồng” (viết tắt là VAC) để xóa đói dinh dưỡng và tăng thêm thu nhập, thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
33 năm qua, Hội đã bám sát tôn chỉ, mục đích trên và đạt được nhiều thành tựu, được nhân dân hưởng ứng, được Đảng và Nhà nước khuyến khích, cổ vũ.
Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã thay đổi, tỷ lệ đói nghèo giảm từ trên 56% (năm 1986) xuống còn 3-4%, kinh tế tăng trưởng bình quân 6-7%/năm và Việt Nam hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước 2 năm. Trong thành tích đó, có sự đóng góp của Hội Làm vườn Việt Nam.
Mặt khác, nền nông nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi sâu sắc, từ sản xuất tự cung tự cấp chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, thích vững với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực làm vườn, đã qua thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế vườn truyền thống, cải tạo (vườn tạp, ao hoang, chuồng trống) phát triển VAC để xóa đói dinh dưỡng và xóa đói giảm nghèo. Nghề vườn hiện là nghề làm giàu và phát triển kinh tế vườn hàng hóa.
Vì vậy, đã đến lúc Hội phải đổi mới mô hình hoạt động mới có thể đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế vườn.
Nhà nước chưa có luật về hội, nhưng trong thời gian qua đã ban hành các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn điều chỉnh hoạt động các hội nói chung và hội xã hội nghề nghiệp nói riêng (Nghị định 45, Nghị định 33 và một số chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư, Bộ Chính trị) thay cho Nghị định 88. Trong đó, quy định về tổ chức quản lý Hội chuyển từ hệ thống 4 cấp thành tổ chức 1 cấp, không quy định cấp trên, cấp dưới. Từ việc hỗ trợ cho các hội xã hội nghề nghiệp về biên chế, ngân sách hoạt động, hiện nay thực hiện theo 5 nguyên tắc (Điều 3, Chương I, Nghị định 45):
- Tự nguyện; tự quản;
- Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch;
- Tự bảo đảm kinh phí hoạt động;
- Không vì mục đích lợi nhuận;
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.
Khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực cho hoạt động Hội
Về tài chính: Trước đây, các bộ, ngành và nhiều tổ chức quốc tế giúp cho Trung ương Hội và một số Hội địa phương thông qua các dự án. Nhưng nhiều năm nay, hầu như không còn hỗ trợ do kinh tế nước ta được xếp vào nước đang phát triển. Thu từ hoạt động dịch vụ và phí quản lý dự án do Nhà nước giao chỉ đủ chi trả cho người triển khai. Nguồn lực về tài chính dựa vào sự trợ giúp của Nhà nước hiện nay chỉ hỗ trợ cho các hội được xếp là hội đặc thù. Hội Làm vườn Việt Nam và phần lớn các Hội địa phương không được xếp là hội đặc thù nên không được hỗ trợ cả về kinh phí và biên chế.
Về các nguồn lực khác thì hầu hết các hội không thu được hội phí, nếu có thu được hội phí cũng rất nhỏ, không đủ hỗ trợ cho các hoạt động của hội. Các trung tâm trực thuộc Trung ương Hội và các hội địa phương không có hoặc rất ít việc làm nên nhiều đơn vị đã giải thể, không hỗ trợ được cho các hoạt động của Hội.
Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động như tuyên truyền vận động, xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn…, Trung ương Hội và Hội địa phương hàng năm được giao rất ít mà chủ yếu tham gia mang tính chất phối hợp với các ban, ngành địa phương. Nhà nước thì chưa có cơ chế hướng dẫn để các địa phương giao kinh phí cho các Hội theo nhiệm vụ như Nghị định 45.
Vì vậy, kinh phí hoạt động Hội nhất thiết phải điều chỉnh lại theo nguyên tắc thu để chi, trong đó nguồn thu phải lấy từ đóng hội phí, hoạt động dịch vụ, kinh doanh, đóng góp của các nhà tài trợ...
Chuyển đổi mô hình tổ chức Hội
Ở Trung ương:
Hội làm vườn Việt Nam có quy mô hoạt động toàn quốc, quyền lực cao nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc, nhiệm kỳ Đại hội 5 năm/lần. Hội có vai trò là trung tâm vận động phong trào phát triển kinh tế VAC trong phạm vi cả nước, nhiệm vụ là tổng hợp, theo dõi, tổng kết và chủ trì tổ chức các sự kiện và phản biện chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.
Các đơn vị trực thuộc Hội Làm vườn Việt Nam gồm Chi nhánh miền Nam (đại diện cho Hội ở các tỉnh phía Nam ), Báo Kinh tế nông thôn và các Trung tâm làm nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hội thảo và thực hiện các dự án, mô hình trên nguyên tắc tự đảm bảo tài chính và đóng góp một phần kinh phí cho hoạt động của Hội theo quy định.
Ở địa phương:
Hội Làm vườn cấp tỉnh là tổ chức Hội do UBND tỉnh ra quyết định thành lập, các Hội địa phương tán thành Điều lệ của Hội Làm vườn Việt Nam và tự nguyện làm đơn xin gia nhập thì được Ban Chấp hành Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam xem xét, quyết định kết nạp làm Hội thành viên, được hưởng quyền lợi theo Điều lệ Hội. Các tổ chức Hội thành viên có trách nhiệm thực hiện quy chế của Hội thành viên do Đại hội đại biểu toàn quốc nhất trí thông qua.
Theo mô hình đổi mới, vẫn giữ quy mô hoạt động trong phạm vi cả nước, Văn phòng Trung ương Hội phải đổi là Văn phòng Hội Làm vườn Việt Nam (vì Hội chỉ có 1 cấp, không có Hội trung ương và Hội địa phương). Mô hình mới chỉ có Hội Làm vườn Việt Nam và các tổ chức Hội thành viên ở cấp tỉnh hoặc huyện, xã nếu địa phương không có Hội cấp tỉnh hoặc Hội cấp tỉnh không hoạt động thì Hội cấp huyện, xã có thể tham gia trực tiếp là hội thành viên của Hội Làm vườn Việt Nam.
Đổi mới phương thức hoạt động
Trọng tâm là đổi mới việc trao đổi thông tin giữa Trung ương Hội và Hội địa phương thông qua thư điện tử (e-mail), họp trực tuyến (online) giúp tiết kiệm được chi phí và thời gian. Trước hết sử dụng e-mail để gửi thông báo, báo cáo, giấy mời, bản tin. Yêu cầu mỗi tổ chức Hội và đơn vị, cán bộ chủ chốt có địa chỉ e-mail để trao đổi thông tin. Để tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở và thời gian, Trung ương Hội có kế hoạch nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức họp trực tuyến (online) giữa Trung ương Hội và các lãnh đạo hội địa phương, các ủy viên thường vụ.
Xây dựng ngân hàng chuyên gia của Hội để nắm chắc trong tay các chuyên gia giỏi thuộc lĩnh vực, ngành nghề mà Hội quan tâm giải quyết và có kế hoạch chủ động sử dụng khi điều kiện nảy sinh (tham gia xây dựng và thực hiện dự án, chương trình, phản biện chính sách...).
Đổi mới mục tiêu và nội dung hoạt động
Căn cứ vào nhiệm vụ đã được xác định trong Điều lệ và chủ trương, phương hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, xác định mục tiêu và nội dung trọng tâm hoạt động của Hội trong giai đoạn 2020-2025 như sau:
Mục tiêu hoạt động của Hội là khôi phục và phát triển nghề làm vườn truyền thống theo nghĩa rộng, gồm cả vườn, ao, chuồng (viết tắt là VAC), nhằm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, mục tiêu của Hội là phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) và đa dạng hóa các loại hình vườn nhằm thực hiện mục tiêu tăng thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội, bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Nội dung hoạt động của Hội tập trung vào những hoạt động cụ thể sau:
Vận động phong trào làm kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ kết nối sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu về ATTP và phát triển bền vững
Trước hết, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình “ vườn hữu cơ”, “vườn mẫu”, “vườn đô thị” , “trang trại VAC 4.0” nhằm thiết thực góp phần bảo vệ đất vườn, bảo vệ môi trường sống trong lành và cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình và cộng đồng.
Tổ chức các diễn đàn, tham quan mô hình, trao đổi, rút kinh nghiệm, thông qua Báo Kinh tế nông thôn, Website của VACVINA tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân nhân rộng các mô hình trên phù hợp với khuôn viên sống của hộ gia đình ở nông thôn, ở đô thị.
Biên tập và phát hành Sổ tay hướng dẫn về Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), làm vườn hữu cơ, vườn đô thị, trang trại VAC 4.0 làm tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên.Tổng kết kinh nghiệm, xây dựng lý luận mô hình sản xuất VAC trong điều kiện mới
Tổng kết thực tiễn các mô hình VAC đã được thực hiện thành công tại các địa phương như vườn mẫu (Hà Tĩnh), vườn chuẩn (Nghệ An), vườn đô thị, trang trại VAC 4.0 (Hà Nội )...
Tổ chức các hội thảo chuyên đề về chiến lược phát triển bền vững mô hình kinh tế VAC trong tình hình mới. Cần có sự cập nhật, điều chỉnh về các phương pháp sản xuất VAC để đáp ứng các yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hành nông nghiệp tốt.
Xây dựng và thực hiện đề án/chiến lược phát triển Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hỗ trợ, thúc đẩy mối liên kết giữa người làm vườn với HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp; xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn
Khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn, các hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia Hội;
Giới thiệu, làm cầu nối, cung cấp thông tin và hướng dẫn, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn trên cơ sở liên kết giữa hội viên với nhau và giữa hội viên với doanh nghiệp.
Phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương xây dựng và phát triển một số cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nghề làm vườn được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại một số thành phố lớn.
Đẩy mạnh hợp tác và giao lưu quốc tế.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, Hội chủ động đề xuất và phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội trang trại Việt Nam VietDHRRA, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động phong trào “Làm vườn hữu cơ”, “vườn mẫu (vườn chuẩn )”, “trang trại VAC 4.0” trong toàn quốc và tổ chức triển khai tại các địa phương.
Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức quảng bá, hướng dẫn sử dụng, cung ứng các thiết bị, vật tư phục vụ cho người trồng vườn hữu cơ, vườn đô thị, trang trại VAC 4.0.
Tăng cường trao đổi kinh nghiệm tổ chức và hoạt động với Hội Làm vườn và các tổ chức nhân dân có liên quan của các nước trong khu vực và trên thế giới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội và tạo điều kiện cho Hội địa phương tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm nghề vườn của các nước.
Chủ động đề xuất, thiết lập quan hệ hợp tác với Hội Làm vườn Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Mỹ… để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động Hội.
Trao đổi thông tin, đặc biệt là tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động Hội và các tiến bộ kỹ thuật giúp người làm vườn nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Mời và tạo điều kiện để Hội Làm vườn các nước thăm và chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề vườn tại Việt nam đồng thời hỗ trợ, tư vấn phát triển các dự án hợp tác quốc tế giúp phát triển nghề làm vườn tại Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả hợp tác với Mạng lưới hợp tác phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) và Mạng lưới VietDHRRA. CIPEN...
Chủ động đề xuất, xây dựng các dự án/ nội dung hợp tác với các tổ chức quốc tế ( FAO, IFAD…) và các tổ chức phi chính phủ có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
+ Chủ động tham gia vào các hoạt động của các dự án hợp tác quốc tế có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đang được thực hiện tại Việt Nam.
Một số giải pháp
Sửa đổi lại Điều lệ Hội Làm vườn Việt Nam phù hợp với Nghị định 45, Nghị định 33 và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Xây dựng quy chế hoạt động của Hội và quy chế tham gia của hội thành viên.
Tuyên truyền, vận động đổi mới tư duy từ mô hình nhà nước hóa hội để tránh ỷ lại trông chờ sự bao cấp của Nhà nước, chuyển sang mô hình hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động theo Nghị định 45.
Xây dựng mô hình tổ chức của Hội gọn nhẹ, có hiệu quả trình Thường vụ và thông qua Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VII.
Vận động, tập hợp đội ngũ các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm, chuyên môn, ngoại ngữ và uy tín tham gia hoạt động của Hội trên cơ sở tự nguyện với hình thức phù hợp (ủy viên Hội đồng khoa học, Hội đồng cố vấn/tư vấn, cộng tác viên) nhằm huy động sự tham gia khi cần thiết.
Kiện toàn và đổi mới hoạt động Văn phòng Trung ương Hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một người có thể đảm nhận nhiều công việc; huy động sự tham gia của một số cán bộ làm việc cho Văn phòng trên cơ sở tự nguyện.
Áp dụng công nghệ thông tin (IT) vào các hoạt động của Hội nhằm truyền tải thông tin nhanh, chính xác, giảm chi phí họp hành, đi lại, giấy tờ. Để thực hiện giải pháp này, Trung ương Hội và Hội thành viên có kế hoạch tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên hàng năm về ứng dụng công nghệ thông tin.
Huy động sự đóng góp về nhân lực và tài chính, tài trợ của doanh nghiệp, hội địa phương và hội viên. Có quy định thống nhất, rõ ràng, minh bạch về quyền lợi của các nhà tài trợ và trách nhiệm đóng góp kinh phí đối với các thành viên tham gia các hoạt động của Hội. Trung ương Hội đóng vai trò tổ chức các hoạt động, sự kiện, tạo diễn đàn và môi trường thuận lợi để các Hội địa phương và hội viên tham gia trên cơ sở tự nguyện và đóng góp kinh phí.
Chủ động đề xuất và khai thác các chương trình /dự án của Trung ương và địa phương, tìm kiếm, xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác với sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Đổi mới mô hình hoạt động Hội là một quá trình đòi hỏi phải có lộ trình trên cơ sở đồng thuận của toàn thể hội viên thông qua Điều lệ sửa đổi. Điều cốt lõi đổi mới để phát triển nhằm nâng cao vị thế của Hội Làm vườn Việt Nam trong giai đoạn mới.
GS.TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam
https://kinhtenongthon.vn/
https://kinhtenongthon.vn/