Để thuốc Nam vươn tầm thế giới: Hành trình đưa “Trinh nữ hoàng cung” sang Mỹ
- Thứ ba - 30/05/2017 11:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đầy chông gai, thử thách
Nói cây TNHC và sản phẩm Crila chữa ung thư tử cung, u xơ tiền liệt tuyến... xuất khẩu sang Mỹ, gắn chặt với cuộc đời Tiến sỹ - Dược sỹ Nguyễn Thị Ngọc Trâm quả không sai bởi đó là con đường đầy chông gai, thử thách, gần như chiếm trọn cả cuộc đời bà.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm khoa học, bà Trâm tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1972. Năm 1984, trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh toàn quốc, bà được cử sang Bungari làm luận án tiến sỹ. Năm 1987, trong kỳ nghỉ hè về nước, bà phát hiện ra cây TNHC ở Huế, quyết định đem sang Bungari để nghiên cứu và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện TNHC có tác dụng chữa bệnh ung bướu, cả lành lẫn ác tính. Năm 1990, bà bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ với đề tài: Xác định thành phần và cấu trúc của 45 hợp chất có trong tinh dầu cây thảo quả Việt Nam, được Hội đồng Khoa học Quốc gia Bungari đánh giá cao.
Sau đó, bà làm cộng tác viên của Viện Hàn lâm Khoa học Bungari, và nằm trong nhóm Nghiên cứu các cây thuốc ở vùng châu Á (1990 - 2005). Chính vì vậy, bà có dịp đi khắp mọi miền đất nước để tiếp tục khảo sát cây TNHC, kết quả là, đã tìm ra được 12 cây dược liệu mà người dân nhầm tưởng là TNHC, nhưng các nhà khoa học cho biết, đó là những cây nằm trong nhóm cây Náng lá rộng, không có tác dụng trị bệnh ung bướu, thậm chí còn chứa độc tố ảnh hưởng đến gan.
Có kết quả thử nghiệm ban đầu là một thắng lợi lớn, nhưng nếu không chứng minh được hiệu quả của thuốc, thì đề tài mãi nằm trong ngăn kéo. Vậy là nhà khoa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm lại đôn đáo lo tiền để TNHC được thử nghiệm lâm sàng. Trời không phụ lòng người, kết quả lâm sàng cho thấy: 89,18% thành công trong chữa phì đại lành tính tuyến tiền liệt; u xơ tử cung đạt 79,5%. Đồng nghiệp lúc này mới công nhận là thuốc “tiên”, được Hội đồng Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước đánh giá cao.
Song, khó khăn vẫn chưa hết, đó là phải tìm được doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ; nếu như chưa có sản phẩm, đồng nghĩa với việc TNHC chỉ là thử nghiệm. Bà lại “một mình, một ngựa” xoay tiền, gõ cửa Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tìm nguồn vốn, nhưng số tiền quá ít, chỉ cho ra đời được sản phẩm trà túi lọc TNHC, doanh thu không cao. Phương án “lấy ngắn nuôi dài” từ trà túi lọc để sản xuất viên nang thực phẩm chức năng TNHC chưa thành công. Cuối cùng, bà quyết định bán căn nhà đang ở để thỏa ước nguyện của mình và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sản xuất dược phẩm Crila (trực thuộc Công ty Dược phẩm TW 2) do bà làm Giám đốc đã ra đời (năm 2008 đổi thành tên gọi như ngày nay).
Hiện, Công ty Thiên Dược có 3 loại sản phẩm: Viên nang Crila Uterine Health (u xơ tử cung), Crilafor Prostele (tuyến tiền liệt) và Crila ForMenopause (điều hòa khí huyết) được bào chế từ các alcaloide có hoạt tính sinh học chiết xuất từ cây TNHC, với quy trình công nghệ đã được hoàn thiện. Các alcaloide đã được chọn lọc, không tác dụng phụ, giúp ngăn ngừa sự phát triển của tế bào u; ngăn ngừa sự tạo mạch, kích thích miễn dịch. Sản phẩm tạo ra một quy trình khép kín từ khâu trồng dược liệu theo chuẩn GACP -WHO đến chiết xuất theo quy trình công nghệ hoàn thiện. Sau khi ra đời, Crila nhanh chóng được Hội đồng Khoa học Bộ Y tế công nhận; ngày 21/7/2005, được Cục Quản lý Dược cho phép lưu hành toàn quốc.
Để thỏa mãn yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, Thiên Dược đã chủ động đầu tư nhà máy sản xuất đạt chuẩn GLP, phòng bảo quản thuốc đạt chuẩn GSP. Mặt khác, Công ty còn áp dụng phương pháp HPLC (đang được các nước Anh, Pháp, Mỹ sử dụng) trong việc kiểm nghiệm viên nang; giúp chiết tách và làm sạch, tạo được chất chuẩn tinh khiết Crinamidine. Tất cả đã góp phần tạo nên một thương hiệu uy tín, một sản phẩm chất lượng và hiệu quả đặc trị cao, được Cục Quản lý Dược cấp phép năm 2010.
“Lọt” vào thị trường khó tính
“Còn việc TNHC sang Mỹ có lẽ do may mắn. Hữu xạ tự nhiên hương, khởi đầu do những Việt kiều về Việt Nam thấy sản phẩm hay thì mua dùng. Sau đó họ mua tặng những người bạn Mỹ, Pháp, Đức..., ở đất nước mình cư trú, cứ thế Crila lan truyền rất nhanh trong cộng đồng cả người Việt và người nước ngoài. Kết quả là, một hôm, tôi nhận được điện thoại của một người Mỹ hẹn đến thăm công ty và đăng ký mua sản phẩm”, TS. Trâm chia sẻ.
Mặc dù đã “lọt” được vào thị trường khó tính, song theo bà Trâm, vẫn còn nhiều cản trở, vì TNHC phải thông qua 1 công ty ở Mỹ mới được lưu hành. Doanh thu xuất khẩu bình quân hàng năm mới đạt 400.000 - 500.000 USD. Tuy số lượng chưa như mong đợi, nhưng đã khẳng định được chất lượng sản phẩm ở một thị trường khó tính như Mỹ. Để bù lại, viên nang Crila ở trong nước đã đạt doanh nghiệp 48 tỷ đồng/năm, được Bộ Y tế công nhận là Ngôi sao Thuốc Việt; người tiêu dùng Việt Nam bình chọn là sản phẩm chất lượng cao. Dự tính, thời gian tới, Công ty sẽ xuất sản phẩm sang nhiều quốc gia ngoài thị trường Mỹ như: Nhật Bản, Australia..., những nước đang đặt vấn đề với Thiên Dược để mua Crila. Trước mắt, Công ty phải liên hệ với các địa phương để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng đầu vào. Hiện, lương bình quân của nông dân trồng cây TNHC đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy là, kể từ năm 1987, khi bà Trâm tìm được cây TNHC ở Huế, đến khi ra đời viên nang Crila năm 2004, và lưu hành trên toàn quốc năm 2005, vừa tròn 17 năm. Và phải mất 10 năm nữa (2014), Crila mới sang được đất Mỹ; 1 năm sau, năm 2015 mới chính thức lưu hành ở đó từ bấy đến nay. Theo đó, hành trình đưa sản phẩm TNHC ra thị trường của nhà khoa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã tiêu tốn 20,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí do cá nhân bà bỏ ra 14,4 tỷ đồng; cung cấp cho thị trường 15 triệu viên nang phục vụ trong nước và xuất khẩu; tổng doanh thu sản phẩm 16,7 tỷ đồng (xuất khẩu 5,3 tỷ đồng).
Từ thành công này, bài học rút ra là, doanh nghiệp muốn phát triển tốt, phải dành một phần kinh phí cho đầu tư và thương mại hóa sản phẩm. Cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa, tạo điều kiện chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên, đóng góp cho đất nước...
Cũng theo bà Trâm, điểm yếu của chúng ta là chưa tổ chức được những công ty chuyên tiếp xúc và chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Thực tế thấy, không phải nhà khoa học nào cũng đủ năng lực tài chính để làm việc này. Hoặc, chưa có chính sách cụ thể để động viên nhà khoa học tập trung nghiên cứu. Nhiều công trình có sản phẩm mang tính ứng dụng cao, song, vẫn khó khăn trong quá trình chuyển giao công nghệ để đi vào cuộc sống. Nếu có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, quản lý hợp lý thì chúng ta có thể chủ động trong việc sản xuất, cung cấp thuốc cho thị trường trong nước với giá thành thấp, giảm chi phí cho bệnh nhân.
Mặc dù đã dành thắng lợi như vậy nhưng bà Trâm không nặng về kinh doanh. Điều lớn lao nhất đối với nhà khoa học khi đón nhận thành quả lao động của mình là những lá thư hồi âm từ bệnh nhân, bà Trâm tâm sự. Ông Võ Công Tín, 65 tuổi, phường An Phú Đông (quận 12, TP.Hồ Chí Minh), bị chứng phì đại tiền liệt tuyến, phải đi tiểu nhiều lần trong đêm; sau khi uống TNHC đã khỏi hẳn, sức khỏe tăng lên rõ rệt do không phải thức đêm. Quá vui sướng, ông đã làm một bài thơ dài tặng bà. Một bệnh nhân khác viết: “Cám ơn cô, người có tấm lòng rộng mở, không chút đắn đo, suy tính thiệt hơn, không bút nào kể hết lòng biết ơn của tôi đối với cô”.
Cuối buổi trò chuyện, tôi hỏi bà Trâm về một kỷ niệm mà bà ấn tượng nhất, trong quá trình tìm ra chất chống ung thư từ TNHC. Bà vui vẻ cho biết, năm 1990, khi đem mẫu sang Bungari để nghiên cứu, bà mừng rơi nước mắt khi nghe người bạn thông báo TNHC có thể là cây điều trị ung thư. Nhưng khi về đến Việt Nam lại có người nói: “Nếu nó chữa được u xơ tử cung thì hóa ra là thuốc tiên à? Trong khi Mỹ và các nước tiên tiến trên thế giới chưa làm được, lẽ nào Việt Nam đã có?”. “Rất may là cuối cùng thì TNHC cũng đem lại kết quả như mong đợi”, TS. Trâm chia sẻ.
Dù đã ở tuổi 67, song TS.Trâm vẫn đam mê công việc, căn bệnh ung thư vẫn khiến bà trăn trở nhiều nhất. Vì vậy, bà đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệmcác loại thuốc hỗ trợ ung thư gan; tuyến tiền liệt; phổi và u não... Tất cả những loại thuốc này sẽ được khám phá từ cây cỏ nước Việt, như lời dặn của cha bà trước khi qua đời. Thông điệp mà TS. Trâm gửi đến bệnh nhân là: “Tôi muốn tạo ra sản phẩm thật, chất lượng cao, giá cả phù hợp không những với người Việt mà với cả thế giới. Không đề cao mục tiêu kinh doanh nên sản phẩm của Thiên Dược luôn để sát giá gốc”.
Theo Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn