Để việc đầu tư 'sát sườn' với nhu cầu thực tiễn

Để việc đầu tư 'sát sườn' với nhu cầu thực tiễn
Các địa phương dựa vào nhiều nguồn lực, trong đó nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia (xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới) trong phát triển kinh tế - xã hội.

 
  •  
Để việc đầu tư 'sát sườn' với nhu cầu thực tiễn
Huyện đoàn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cùng người dân xây dựng nông thôn mới

Tuy nhiên, việc có nhiều nguồn vốn nhưng về với địa phương không đúng thời điểm, không thể lồng ghép với nhau và việc người dân chưa thực sự được tham gia vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khiến các việc đầu tư của địa phương thường bị chắp vá trong sự bị động, dàn trải và đôi khi không “sát sườn” với nhu cầu của người dân.

Phải lập kế hoạch khi… “tiền chưa có”

Các nghiên cứu và đánh giá về chính sách giảm nghèo thời gian qua cho thấy, thách thức trong phân bổ và sử dụng nguồn lực giảm nghèo là cơ chế phân cấp, phân quyền cho các cấp cơ sở còn hạn chế, nội dung và phương pháp thực hiện chưa phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và nhu cầu đặc thù của từng nhóm đối tượng. 

Vì thế việc xây dựng và triển khai các chính sách đổi mới công tác lập kế hoạch cấp xã theo phương pháp có sự tham gia của người dân, tăng cường phân cấp đầu tư cho cấp xã, trao quyền cho cộng đồng trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án là đòi hỏi cấp bách nhằm tận dụng được các nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả, tránh lãng phí để góp phần giải quyết các nguyên nhân nghèo đa dạng, phát huy nội lực và tính chủ động của từng địa phương, cộng đồng và người nghèo trong quá trình vươn lên cải thiện đời sống. 

Hiện có 30 tỉnh đã tiến hành đổi mới lập kế hoạch cấp xã hàng năm trong đó có khoảng 10 tỉnh đã thể chế hóa, áp dụng quy trình lập kế hoạch cấp xã có sự tham gia trên toàn tỉnh. Một số tỉnh đã cập nhật quy trình này theo hướng lồng ghép với lập kế hoạch các chương trình, dự án và yếu tố thị trường, giới, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước mới được ban hành. 

Quy trình mới này có sự tham gia của người dân thông qua thu thập thông tin, nhu cầu của người dân, tham vấn cộng đồng vào dự thảo kế hoạch và thực hiện một số hoạt động trong bản kế hoạch theo cách tiếp cận dựa vào cộng đồng. Theo nhận định của cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Trị, “lập kế hoạch theo phương pháp mới quan trọng nhất là chữ “dân”. Người dân được bàn bạc thảo luận, chia sẻ khó khăn của Nhà nước và có trách nhiệm với sự phát triển của địa phương”. 

Là một trong những địa phương triển khai lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó trưởng Ban quản lý Dự án giảm nghèo tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đã dành 200 triệu đồng/năm cho mỗi xã để lập kế hoạch theo mô hình mới này. Việc lập kế hoạch này cũng giúp xã có “tầm nhìn” dài hạn hơn, giải quyết được mâu thuẫn giữa thời gian lập kế hoạch xã và khả năng dự đoán trước nguồn lực, không để bị động như trước đây.

Trước đây việc lập kế hoạch thường chỉ giao cho một nhóm cán bộ xã thực hiện với nhiều chỉ tiêu, nội dung kế hoạch bị áp đặt từ trên xuống. Cùng với đó, do không xác định được nguồn lực, đôi khi có trường hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã được “sửa từ kế hoạch năm trước, tự xác định định mức nguồn lực cho kế hoạch năm sau” – ông Hoàng Trung Thành, chuyên gia của Tổ chức Oxfram phản ánh.

Còn ông Henning Pedersen – Giám đốc quốc gia Quỹ Quốc tế và phát triển nông nghiệp (IFAD) chia sẻ, qua hoạt động hỗ trợ một số chính quyền cấp xã trong đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cho thấy có thực trạng “chính quyền muốn lập kế hoạch sớm, dân cũng muốn tham gia lập kế hoạch nhưng chưa biết hết nguồn lực được đầu tư nên không biết lợi ích sẽ được hưởng dẫn tới việc không còn hứng thú vì người dân chỉ cần những gì thiết thực với cuộc sống của họ”. 

Tham gia lập kế hoạch không chỉ “tích vào phiếu”

Đó là yêu cầu để đảm bảo sự tham gia thực chất của người dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở các nguồn lực được đầu tư và nguồn lực sẵn có. Ông Nguyễn Việt Tuấn (Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, cần thể chế hóa từ T.Ư về việc lập kế hoạch để thông qua “mẫu” kế hoạch chung, các địa phương lập kế hoạch của cấp mình có xác định trọng điểm đầu tư, tránh phân tán nguồn lực. Cùng với đó, cần minh bạch cơ chế cấp vốn từ cấp trên, không cho tồn tại việc “chạy” chương trình, dự án dẫn đến việc đầu tư không sát với nhu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển chung, cũng như “dẹp” được tính trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên.

Công trình vốn ngân sách vẫn chủ yếu do nhà thầu thi công

Cũng theo khảo sát của Oxfram, các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong CTMTQG về giảm nghèo rất ít giao cho cộng đồng, nhóm thợ địa phương thi công. Ngay cả những công trình do xã làm chủ đầu tư thì lựa chọn nhà thầu vẫn là hình thức phổ biến. Chỉ có các dự án tài trợ và chương trình xây dựng Nông thôn mới tại một số tỉnh đã giao cho cộng đồng, nhóm thợ địa phương trực tiếp thi công các công trình nhỏ và đơn giản theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, một số địa phương thuê nhà thầu nhưng có ưu tiên sử dụng lao động địa phương theo hình thức “cộng đồng có công trình, người dân có việc làm”.

Ông Hoàng Trung Thành hy vọng vào Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vừa được ban hành sẽ là căn cứ để các địa phương không còn bị “tù mù” về nguồn lực đầu tư khi lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Song, ông Nguyễn Minh Chiến – Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) vẫn trăn trở về “chất lượng của kế hoạch” khi quy trình lập kế hoạch theo mô hình mới (có sự tham gia của người dân) chưa được triển khai nhân rộng thành quy trình lập kế hoạch trên toàn tỉnh, mới ở cấp xã. Hơn nữa, “hiện còn thiếu năng lực tư vấn, đào tạo cho việc lập kế hoạch có sự tham gia của người dân thực chất, chứ không chỉ tham gia với việc “tích vào phiếu” – ông Chiến nói.

Lý giải nguyên nhân chưa mở rộng được việc lập kế hoạch có tham gia của người dân, ông Nguyễn Trường Thi, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho rằng, muốn lập kế hoạch phải biết có bao nhiêu tiền, nhưng thường khi các địa phương lập kế hoạch vẫn không biết sẽ được đầu tư bao nhiêu, từ nguồn nào.

Cùng với đó, lập kế hoạch cũng xuất phát từ ý chí, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương (không loại trừ có vấn đề lợi ích) và vẫn nhiều địa phương cho rằng kế hoạch sử dụng nguồn lực là việc của ban quản lý chương trình, dự án nên không quan tâm...

Vì thế, chính quyền cơ sở đang trông chờ một khung pháp lý về lập kế hoạch, giúp lồng ghép được các nguồn lực, tránh phải bổ sung kế hoạch, lãng phí nguồn lực khi “chương trình, dự án sau “đè” chương trình, dự án trước”, có hạng mục có nhiều nguồn vốn đầu tư (cả của nhà nước, tư nhân và cả các chương trình, dự án) nhưng có những hạng mục lại chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước như ông Phạm Tuấn Anh (Ban Quản lý Dự án 3EM, Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông) bày tỏ.

Thực tế việc lồng ghép nhiều nguồn lực vào một dự án là rất khó vì sự khác nhau về định mức, thủ tục, cơ chế thanh quyết toán... Hiện chưa có quy định từ T.Ư về lồng ghép lập kế hoạch các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) với lập kế hoạch kinh tế - xã hội cấp xã nên phạm vi lồng ghép rất hạn hẹp, mà cũng chỉ là “ghép” cơ học các nguồn lực, còn hồ sơ thanh quyết toán của từng hạng mục vẫn theo quy định riêng của từng chương trình – dự án.

Như ở xã La Pan Tẩn (tỉnh Lào Cai), một con đường nhưng mỗi đoạn được đầu tư theo các nguồn vốn khác nhau (nguồn từ chương trình 135, nguồn từ CTMTQG về giảm nghèo) chứ “không có chuyện hai bên cùng làm một đoạn đâu” – nhóm cán bộ xã cho biết.

Theo ông Đinh Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH&ĐT), sắp tới Bộ KH&ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn để có khung lập kế hoạch hướng tới mỗi địa phương sẽ chỉ có một kế hoạch chung với các nguồn lực khác nhau, tránh hàng năm mỗi xã có CTMTQG phải xây dựng 3 bản kế hoạch: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và kinh tế - xã hội với nội dung “na ná, thậm chí trùng lắp”. 

Thực tế, trong CTMTQG về giảm nghèo cũng đã nói rõ phải đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và trao quyền cho cộng đồng nhưng về việc tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương IFAD vẫn khuyến nghị cần phân cấp, trao quyền tự chủ cần mạnh mẽ hơn nữa cho cấp xã và có một quy trình thực hiện đơn giản với khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Dù vậy, ông Nguyễn Minh Chiến lưu ý, quan điểm là nguồn vốn đầu tư cho CTMTQG về giảm nghèo chỉ là một phần, bù lấp chỗ trống chứ không “làm thay” các nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội nên địa phương cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn đóng góp cho phát triển của địa phương và phát huy vai trò cộng đồng trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển đã đề ra.

Thực hiện phân cấp cho xã còn hạn chế

Kết quả khảo sát tại 7 tỉnh về “Đổi mới lập kế hoạch cấp xã, phân cấp đầu tư cho cấp xã và trao quyền cho cộng đồng hướng đến giảm nghèo” (giai đoạn 2014-2016) do Tổ chức Oxfram thực hiện cho thấy, còn khoảng cách giữa chủ trương phân cấp cho xã, trao quyền cho cộng đồng và thực tế thực hiện tại các địa phương. 

Vốn ngân sách trong hợp phần cơ sở hạ tầng của CTMTQG giảm nghèo được phân cấp cho xã làm chủ đầu tư còn hạn chế. Tại các huyện 30a cả huyện có tỷ lệ nghèo cao được áp dụng chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tương đự huyện 30a, hợp phần này hầu hết do cấp huyện làm chủ đầu tư. Tại các địa bàn khảo sát, có 2 huyện năm 2015 có phân cấp vốn đầu tư trong chương trình 30a cho cấp xã nhưng với tỷ lệ nhỏ là Mường Khương (Lào Cai) với tỷ lệ 25% và Bác Ái (Ninh Thuận) là 1,6%.

Với Chương trình 135, tỷ lệ vốn cơ sở hạ tầng phân cấp cho xã làm chủ đầu tư rất khác nhau giữa các địa bàn khảo sát. Tỷ lệ này năm 2015 khá thấp tại các huyện thuộc Hòa Bình (30%), Quảng Trị (22%), Ninh Thuận (7,4%) và ngược lại rất cao tại các huyện thuộc Nghệ An (80,4%), Đắk Nông và Trà Vinh (100%). 

Theo Diễm Xuân/baophapluat.vn