Để xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ bền vững

Để xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ bền vững
Phú Thọ, miền Đất Tổ, nơi tưởng nhớ và tri ân các vua Hùng có công dựng nước đang từng ngày "thay da, đổi thịt". Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 với mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đang triển khai có kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mới đây, có dịp cùng đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại Phú Thọ, chúng tôi được biết, cùng với việc sớm hoàn thành phê duyệt xong quy hoạch, đề án xây dựng NTM cho 247 xã, UBND tỉnh đã tập trung triển khai các mô hình, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 20,5 triệu đồng/người/năm so với 26,9 triệu đồng bình quân toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,89% năm 2014. Tỉnh đã quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng công trình gắn với mục tiêu xây dựng NTM.

Đoàn công tác của Quốc hội thăm cánh đồng lúa chất lượng cao xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ảnh:  Lê Minh
 
Các xã xây dựng NTM đã được đầu tư 318 công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, chợ, trường học, trụ sở văn hóa, vệ sinh môi trường. Tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cứng hóa 146km đường trục xã, liên xã, 52km đường trục thôn, xóm, 212km đường ngõ, 147km đường trục chính nội đồng, cải tạo, xây mới 20 cầu, tràn trên đường giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng huyện Lâm Thao đã huy động được từ các nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng NTM là 532 tỷ đồng, chưa kể nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ số xã thu gom rác thải tập trung trong tỉnh đạt 48,16% và tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89%, xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 32,49%, tỷ lệ người dân mua bảo hiểm y tế đạt 80%. Đến hết năm 2014, Phú Thọ có 10 xã đạt chuẩn NTM, 37 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM, 107 xã đạt 10-14 tiêu chí, 93 xã đạt 5-9 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí (bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 11,2 tiêu chí/xã). Tỉnh Phú Thọ đang phấn đấu đến cuối năm 2015, sẽ có 19 xã đạt chuẩn và 38 xã cơ bản đạt chuẩn NTM; tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn tập trung đạt ở 125 xã, chiếm 50,6%; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%.

Đến thăm xã Cao Xá (huyện Lâm Thao), chúng tôi được nghe báo cáo, đây là 1 trong 6 xã của huyện hoàn thành 19 chỉ tiêu NTM vào năm 2014, trong khi năm 2011 xã mới đạt 13/19 chỉ tiêu NTM. Những cánh đồng mẫu lớn được kiên cố hóa bằng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chia thành những ô canh tác lớn. Ngoài việc huy động được hơn 200 tỷ đồng các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, chỉnh trang sân vườn tường rào, xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, di tích lịch sử văn hóa, Cao Xá đã tập trung phát triển sản xuất với 6 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nghề mộc, thủ công mỹ nghệ, xây dựng và một làng nghề làm tương truyền thống với sản lượng hàng chục nghìn lít mỗi năm. Anh Cao Ngọc Hoành, Chủ tịch UBND xã Cao Xá, cho biết: Nhờ phát huy thế mạnh của sản xuất nông nghiệp cận đô thị với cây lúa, cây ăn quả, rau màu, đậu, lạc và thủy sản, được cơ giới hóa cao, áp dụng các loại giống mới, chất lượng cao gắn với chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm theo mô hình liên kết “4 nhà”, nên giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác đạt hơn 150 triệu đồng/năm; xã đang phấn đấu thâm canh, luân canh 3 vụ gồm: Lúa - dưa chuột Nhật - ớt “chỉ địa” để đạt giá trị từ 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Các trang trại gia đình với quy mô từ 1 đến 5ha, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản bán công nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động cũng mang lại thu nhập đáng kể cho bà con. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 28 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân chung của toàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao Vương Đức Thủy nhấn mạnh, trong chương trình xây dựng NTM, Lâm Thao đặt nhiệm vụ tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho người dân làm trọng tâm để thống nhất nhận thức và hành động, tạo sức mạnh tại chỗ, không ỷ lại cấp trên, xác định người dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Thực tế ở Cao Xá cho thấy, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho người dân tự thuê, dồn đổi ruộng đất theo quy mô sản xuất vùng chuyên canh, định hướng cho nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Đồng tình với đánh giá của chính quyền cơ sở, thay mặt đoàn công tác của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Để phát triển bền vững NTM, quan trọng nhất là lòng tin và sự đồng thuận của người dân khi chính quyền các cấp đặt quyền lợi của người dân lên cao nhất. Dân chủ trong cách làm cộng với định hướng chính trị đúng đắn và quản lý Nhà nước hiệu quả là những nhân tố quyết định cho thành công của xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quan trọng là các mô hình sản xuất, mô hình quản lý đem lại năng suất lao động cao gắn với chuyển giao khoa học, kỹ thuật để người nông dân “thấy được là làm”, phát huy tính sáng tạo của người dân và doanh nghiệp nông nghiệp, chuyển dịch sản xuất nông nghiệp và lao động trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, coi đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất từ sau 30 năm đổi mới để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam.
Tiến sĩ TRẦN VĂN
(
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội)
Theo qdnd.vn