Đề xuất nhiều nhiệm vụ cải cách tư pháp sau năm 2020

(Chinhphu.vn) – Ngày 16/10, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Hội thảo nhằm lấy ý kiến các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết đối với công tác tư pháp và cải cách tư pháp, trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị (dự kiến cuối tháng 12/2019).

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 49 và Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 49 đồng chủ trì Hội thảo.

Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, xác định rõ mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Đồng thời, đề ra 5 quan điểm, 4 phương hướng và 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã 3 lần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết (sơ kết 3 năm, 5 năm và tổng kết 8 năm) và lần này là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác cải cách tư pháp ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp ủy, tổ chức đảng thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, ý kiến của các đại biểu đã nêu bật những kết quả đạt được trong công tác cải cách tư pháp, nổi bật là thể chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được củng cố và phát triển trên một cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và vững chắc. Các nguyên tắc đặc thù của tổ chức và hoạt động tư pháp với tư cách là những giá trị văn minh tư pháp nhân loại được áp dụng ở nước ta. Đội ngũ cán bộ tư pháp phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng, nhiều nội dung rất đúng, rất hay và có ý nghĩa đột phá trong Nghị quyết việc thực hiện còn chậm.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; việc kiện toàn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra; việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; vấn đề về bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp;…

Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn