Đến bao giờ, rau an toàn mới “an toàn”?
- Thứ tư - 07/01/2015 20:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đấy còn chưa kể, nhiều khâu trung gian, vì chạy theo lợi nhuận đã trà trộn cả sản phẩm sạch, an toàn với sản phẩm thường hoặc có nhiễm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng để bán lấy lời cao...càng khiến cho người tiêu dùng thêm hoang mang, lo lắng với sản phẩm rau an toàn.
Chúng ta đều biết rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu với thế giới như hiện nay, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu hàng đầu của các mặt hàng nông sản. Trong đó, các sản phẩm rau, quả không là ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện tại, việc mở rộng diện tích sản xuất và thị trường tiêu thụ rau, quả an toàn vẫn là vấn đề khá nan giải của ngành nông nghiệp Việt Nam.
|
Mô hình trồng cà chua an toàn tại Thanh Trì, Hà Nội (Ảnh: BT) |
Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP). Theo đó, quy trình được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh và kiểm tra, chứng nhận sản phẩm rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam. Đồng thời, với quy trình này, Bộ NN&PTNT mong muốn qua đó nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm rau quả, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động… Quy trình được ban hành với những yêu cầu sát sao trong quá trình sản xuất rau, quả như: giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất; nước tưới cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch rau, quả phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Việt Nam; chỉ được phép mua thuốc bảo vệ thực vật từ các cửa hàng được phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về bảo vệ thực vật, phân bón, bán sản phẩm…
Thực hiện quy trình VietGAP, nhiều Hợp tác xã, nhóm nông dân…đã tổ chức triển khai, đồng thời phối hợp với các dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ nước ngoài chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tập huấn…Nhìn chung, sau một thời gian áp dụng, việc triển khai bước đầu đã cho nhiều kết quả nhất định. Trong đó, việc áp dụng VietGAP đã giúp nông dân nâng cao nhận thức, hiểu được lợi ích sản xuất rau an toàn; công tác chăm sóc đúng kỹ thuật hơn, phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả hơn, giảm số lần phun thuốc, đảm bảo thời gian cách ly…Các sản phẩm đã bắt đầu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân VietGAP khó khả thi trên diện tích rộng do nhiều yêu cầu chi tiết kiểm soát, nông dân phải ghi chép phức tạp trong khi tập quán, nhận thức canh tác vẫn còn hạn chế. Cụ thể, VietGAP gồm 65 tiêu chí kiểm soát, đảm bảo truy nguyên nguồn gốc với sổ tay ghi chép nhật ký sản xuất cho người sản xuất thực hiện, trong đó nhiều chỉ tiêu, bảng biểu phức tạp. Do vậy, hiện nay, diện tích sản xuất rau an toàn chỉ đạt 2.000ha/830.000ha rau hàng năm – một con số còn rất hạn chế.
Quan trọng hơn cả là hiện nay, rau an toàn vẫn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Việc thiếu niềm tin này một phần do các sản phẩm rau an toàn được các thương lái thu mua và trong quá trình vận chuyển đến nơi tiêu thụ đã cho thêm các loại rau khác vào “trà trộn” với các sản phẩm rau đã được chứng nhận nhằm kiếm thêm lợi nhuận. Phần khác và là yếu tố trọng yếu, quyết định tới đầu ra rau an toàn không ổn định là chính bản thân người tiêu dùng trong nước vẫn đang có thói quen sử dụng rau ở các chợ truyền thống, chỉ có những bộ phận nhỏ người dân mua rau tại các cửa hàng rau an toàn.
Lý giải về thực trạng này, có thể thấy do chính người tiêu dùng cũng chưa thấy được sự khác biệt giữa rau được chứng nhận an toàn và các sản phẩm rau khác, trong khi giá bán rau an toàn thường cao hơn nhiều so với rau bán ngoài chợ. Thêm nữa, việc nhân rộng diện tích áp dụng rau an toàn vẫn là bài toán khó khăn của ngành trồng trọt khi đa số các hộ sản xuất rau đều ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, manh mún…rất khó để kiểm soát trên quy mô đại trà.
Việc được sử dụng sản phẩm rau sạch trong mỗi bữa ăn là quyền tất yếu mà người tiêu dùng Việt Nam cần được hưởng. Làm sao khi mang các sản phẩm rau, quả về chế biến, người tiêu dùng không còn lo sợ “ăn rồi có làm sao không?”, “có bị ngộ độc không” …Đó là câu hỏi dành cho các nhà quản lý chức năng ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo các sản phẩm rau an toàn đến tay người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, để sản xuất ra sản phẩm rau, quả an toàn trên quy mô rộng, nên chăng cần bắt nguồn từ bốn phía: người sản xuất, người trung gian vận chuyển, các cơ quan quản lý chức năng và người tiêu dùng. Trong đó, vai trò của người sản xuất cần được đưa lên hàng đầu nhằm sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo truy nguyên được nguồn gốc. Hơn nữa, phải đảm bảo đầu ra ổn định cho rau an toàn để người sản xuất có thu nhập ổn định, yên tâm tái đầu tư sản xuất. Rồi đến, cần quan tâm tới vai trò của thương nhân buôn bán – khâu trung gian đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Làm thế nào để lực lượng này “ăn thật, làm thật”, thực sự đưa sản phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng. Trong khi để làm tốt được hai “mắt xích” trên rất cần đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, việc sản xuất rau an toàn không nên chỉ dừng lại ở những Hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân,…điển hình, tiêu biểu. Việc đưa quy trình sản xuất rau an toàn lên quy mô rộng trên cả nước là điều cần thiết. Trong đó, nên chăng ở mỗi địa phương, với những hộ sản xuất rau đưa ra thị trường nên liên kết thành các nhóm hộ để cùng nhau sản xuất và các cơ quan chức năng trên địa bàn sẽ có chức năng kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, đồng thời cần có nhãn mác đảm bảo việc truy nguyên nguồn gốc. Đây là việc làm khó có thể “một sớm một chiều” thực hiện nhưng không có nghĩa là “bế tắc”, không thực hiện được.
Năm 2015 này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Bộ sẽ quyết tâm điều chỉnh cách làm, để tạo sự chuyển biến trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự yên tâm cho người dân. Theo đó, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông sản, thống nhất lấy năm 2015 là năm an toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp.
Chỉ khi những sản phẩm rau an toàn khẳng định được uy tín về mẫu mã và chất lượng, tự thân người tiêu dùng sẽ tin dùng và sử dụng sản phẩm thường xuyên hơn. Thiết nghĩ, việc duy trì sản xuất rau an toàn và nhân rộng, phát triển là công việc cần thiết mà toàn ngành nông nghiệp phải quyết tâm thực hiện tốt, để làm sao, trong mỗi bữa cơm của mỗi gia đình, người dân không còn phải lo lắng về chất lượng rau, không còn những vụ ngộ độc về sản phẩm rau, quả. Làm sao để người tiêu dùng thực sự được sử dụng các sản phẩm sạch đảm bảo cho sức khỏe và rộng hơn, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm rau an toàn, đảm bảo chất lượng ra thị trường thế giới./.
Bùi Thủy theo dcsvn |