Đến hết năm 2016, cả nước có gần 48 nghìn DN đang hoạt động

- Theo Tổng cục Thống kê, vào thời điểm 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động của cả nước là 477.808 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2015.
Ngày 11/04/2017, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo Công bố một số chỉ tiêu chủ yếu phản ánh tình hình phát triển doanh nghiệp các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương năm 2016.
Hiệu quả kinh doanh chưa cao và không bền vững
Theo Tổng cục Thống kê, vào thời điểm 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động của cả nước là 477.808 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2015. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 của cả nước đạt kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2 so với năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động của cả nước là 32.395 doanh nghiệp, trong đó tạm ngừng hoạt động là 19.917 doanh nghiệp, tăng 27,3% so với năm 2015, giải thể là 12.478 doanh nghiệp, tăng 31,8% so với năm 2015.
Vẫn theo Tổng cục Thống kê, tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 là 12,85 triệu người, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm thu hút lượng lao động tăng thêm 9,4%. Tổng vốn đầu tư vào khu vực doanh nghiệp cả nước đạt gần 23.657 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm lượng vốn tăng thêm 22,8%.
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn các nước, như: Thái Lan, Indonesia...

Liên quan đến lợi nhuận và đóng góp ngân sách của khu vực doanh nghiệp, tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp năm 2015 đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, bình quân mức tăng trưởng lợi nhuận toàn khu vực giai đoạn 2000-2015 đạt 19%, thấp hơn mức tăng của vốn 22,8%, doanh thu 21,6%, trong đó giai đoạn 2000-2010 tăng 24,1%; giai đoạn 2010-2015 tăng 7,5%.
Tương tự, tỷ lệ đóng góp đóng góp vào khối ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2015 là 746.4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2%, thấp hơn mức tăng doanh thu và lợi nhuận.
Đánh giá về tình hình doanh nghiệp hiện nay, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, hiện nay các doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, quy mô vốn và lao động, nhưng hiệu quả lại thấp hơn các nước trong cùng khu vực, như: Thái Lan, Indonesia....
“Các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, phát triển chủ yếu dựa vào vốn và lao động, cùng công nghệ lạc hậu nên hiệu quả kinh doanh chưa cao và không bền vững”, ông Thúy nhấn mạnh.
Giải thích về việc doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách giảm so với thời kỳ trước, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải là do thực hiện các cam kết hội nhập, nên thuế xuất nhập khẩu giảm.
Thêm vào đó, giai đoạn 2010-2015 vẫn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã nhiều lần thực hiện các biện pháp hoãn, giảm, giãn thuế để động viên, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp giảm đi so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Liệu có đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp?
Trả lời trước báo chí về mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả liệu có đạt được hay không, khi hiện nay cả nước mới chỉ có khoảng 48 nghìn doanh nghiệp, cùng với đó là số doanh nghiệp thành lập mới nhiều, mà giải thể không kém, các đại diện của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và VCCI đều có niềm tin là sẽ đạt được mục tiêu này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, không phải ngẫu nhiên mà mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp được đề ra, mà phải dựa trên những cơ sở nhất định.
Cụ thể, (1) Chính phủ thấy được những tiềm năng của hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp; (2), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua sẽ là khung pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; (3), hiện nay, Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với hy vọng rằng, các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ áp dụng khoa học - công nghệ để phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Cũng có niềm tin là sẽ đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, chúng ta đang có một Chính phủ kiến tạo đã hừng hực khí thế là làm thế nào để doanh nghiệp phát triển hơn nữa, không chỉ là giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mà còn thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo.
Đặc biệt, với Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng là “cú hích” quan trọng tháo bỏ rào cản đang cản trở doanh nghiệp phát triển, như: thuế, bảo hiểm xã hội, thông quan, xuất nhập khẩu… Song song với đó, còn có Nghị quyết 35 với các tháo gỡ về quyền tư do kinh doanh; coi doanh nghiệp là đối tượng phục vu; cơ chế chính sách phải đảm bảo sự nhất quán và lâu dài, không phân biệt các thành phần kinh tế đều được tiếp cận nguồn lực, tránh hình sự hóa các tranh chấp kinh tế; thanh tra kiểm tra 1 lần/năm; kêu gọi doanh nghiệp phát huy tinh thần tự hào dân tộc…
“Việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo nút thắng cho doanh nghiệp như hiện nay thì đến 2020, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn có thể đạt được”, ông Vinh khẳng định./. 
 
Kim Hiền
http://kinhtevadubao.vn