Ðẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp

Ðẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp
Hiện, dù đã giữ ngôi vị quán quân trong xuất khẩu lúa gạo nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phát triển một cách thiếu bền vững, đời sống người dân chưa được cải thiện.

Nguyên nhân của thực trạng này là do khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ trong nông nghiệp vẫn thiếu và yếu, từ đó đặt ra yêu cầu cần nâng cao chất lượng nghiên cứu KHCN, đưa nông nghiệp tiếp tục giữ thế ổn định, phát triển bền vững.

Ðóng góp tích cực cho sự phát triển toàn ngành

Năm 2008, nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái đã tác động mạnh đến kinh tế trong nước, khiến hàng loạt những "anh cả" của nền kinh tế gặp khó khăn, song, ngành nông nghiệp vẫn vững vàng vươn lên, đảm nhiệm vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế với những thành quả đáng khích lệ. Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu, cao-su, và những chế phẩm từ gỗ. Sự thành công của ngành nông nghiệp hiện nay đã và đang khẳng định những đóng góp không nhỏ của KHCN.

 Chỉ tính riêng năm năm (2008-2013), kết quả từ Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) và dự án sản xuất thử nghiệm tạo ra 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật, chưa kể hơn 24 nghìn mẫu nguồn gen quý hiếm của các loài cây trồng có ở Việt Nam với gần 20 nghìn gen đang bảo tồn tại Ngân hàng gen quốc gia và trên năm nghìn gen lưu giữ tại cơ quan mạng lưới đang được Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam quản lý, đáp ứng cao nhất nhu cầu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, phải kể đến những công trình NCKH thuộc Trường đại học Nông nghiệp đã và đang được ứng dụng trong nông nghiệp, như tạo các giống lúa lai hai dòng, máy bón phân, máy gặt đập liên hợp mi-ni phù hợp một số vùng nông nghiệp phía bắc. Ðệm lót sinh học dành cho các trang trại chăn nuôi, hộ gia đình không mùi, độ bền cao đang được ứng dụng tại tỉnh Hà Nam. Tại tỉnh Thái Bình, triển khai cánh đồng mẫu lớn với giống RVT cho năng suất đạt 63,2 tạ/ha. Ðiều đáng ghi nhận chính là sự tham gia của máy gặt liên hợp không những giúp giải phóng sức lao động, mà còn tránh thất thoát tối đa sau thu hoạch. Ông Trần Văn Thước, nông dân xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, không giấu được niềm vui khi nói về vụ mùa bội thu: So với cánh đồng bên ngoài, chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giảm chỉ còn bình quân 2,05 lần phun, so với 2,64 lần như trước, chi phí phân bón cũng giảm do sử dụng phân phức hợp và bón đúng cách, đúng lúc... mức giảm tương đương 71 nghìn đồng tiền phân bón và 135 nghìn đồng tiền thuốc BVTV cho một ha. Lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình tăng hơn chín triệu đồng/ha.

 Áp dụng KHCN trở thành nhu cầu không thể thiếu trong quá trình sản xuất của người nông dân, nhất là nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, cả vùng có 12.234 máy gặt lúa, trong đó 8.698 máy gặt liên hợp phục vụ những cánh đồng mẫu lớn, nâng diện tích lúa gặt bằng máy đạt xấp xỉ 60%. Nhất là, tại các tỉnh Long An, Ðồng Tháp, Kiên Giang, An Giang... gần như 100% diện tích thu hoạch sử dụng máy gặt liên hợp. Nhờ cơ giới hóa, nông dân có thể bán lúa tươi tại ruộng, thay vì phải sấy khô rồi mới bán cho thương lái, do đó giảm được chi phí vận chuyển cũng như hạn chế mức thấp nhất sự thất thoát trước, trong và sau thu hoạch, góp phần thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, bước đầu giúp người nông dân có lãi. Cùng với sự góp sức của KHCN trong trồng lúa, còn phải kể đến những tiến bộ vượt bậc trong ứng dụng KHCN của ngành cà-phê. Sự vươn lên của ngành cà-phê được giới chuyên gia đánh giá là một phép màu của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 3% GDP, tạo công ăn việc làm cho hơn 2,5 triệu người.

 Ðóng góp của KHCN còn được kể đến khi Giải thưởng Bông lúa vàng lần đầu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao cho 56 công trình NCKH đã cho thấy, chất xám dành cho nông nghiệp đã và đang tăng lên cả về lượng và chất. GS, TS Hà Văn Khối, Chủ nhiệm công trình Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xóa các khu chậm lũ sông Hồng, sông Ðáy và sông Hoàng Long cho biết: "Thủy lợi đóng góp lớn trong sản xuất nông nghiệp. Công trình này sẽ trả lại cho người dân ở những vùng chậm lũ nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung hàng nghìn ha đất trồng lúa, chưa kể góp phần điều hòa nguồn nước trên các sông, bảo đảm an toàn cho Hà Nội và các vùng chung quanh".

 Nhiều khó khăn, thách thức

 Theo đánh giá của các nhà khoa học, những công trình nghiên cứu phục vụ nông nghiệp đã và đang đi đúng hướng, góp phần tăng sản lượng nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân. Ðặc biệt, chất lượng nguyên liệu và nông sản mang thương hiệu Việt Nam đã từng bước được khẳng định tại thị trường trong nước và quốc tế.

 Tuy nhiên, nghịch lý về sự mất cân đối trong nông nghiệp đã và đang đặt ra những thách thức lớn không dễ vượt qua. Thực tế cho thấy, trong khi Việt Nam xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo, đổi lại phải nhập khẩu tới ba triệu tấn đậu tương và hơn 1,5 triệu tấn ngô (để phục vụ chăn nuôi). Chưa kể sản xuất nông nghiệp cần giữ thế ổn định để có thể cung cấp lương thực cho 90 triệu người dân, dự kiến sẽ tăng lên 100 triệu vào năm 2020 và 130 triệu vào năm 2050 (bình quân mỗi năm tăng thêm một triệu miệng ăn), buộc Việt Nam phải có 80 triệu tấn lương thực các loại.

 Ðể nông nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh các yếu tố như đất, sự sáng tạo, cần cù của người nông dân thì yếu tố mới về giống, công nghệ, chế biến và bảo quản trở thành vấn đề hết sức quan trọng... Song, do chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn bộc lộ không ít bất cập, như chỉ hỗ trợ  cho vay vốn đối với máy móc có từ 60% linh kiện được sản xuất trong nước, trong khi các loại máy móc hiện hành hầu hết được nhập từ nước ngoài như Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc); chưa kể phụ tùng thay thế vừa thiếu vừa hiếm... đã trở thành rào cản khiến nông dân không dễ vượt qua. Ðó là chưa nói tới việc khó triển khai đưa KHCN lên các tỉnh miền núi do trình độ người dân còn hạn chế, địa hình, diện tích đất nông nghiệp nhiều nơi còn chưa thật sự thích hợp cho việc áp dụng KHCN. Hay, tại nhiều vùng đồng bằng Bắc Bộ, việc sản xuất máy móc đại trà bỏ qua yếu tố thổ nhưỡng đã vấp phải không ít khó khăn, như trường hợp đưa máy cấy thử nghiệm tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

 Lý giải về những bất cập giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Chúng ta đang theo cơ chế "xét duyệt" nhiệm vụ nghiên cứu và "đấu thầu" đề tài. Việc làm này đem lại những tác dụng nhất định trong nghiên cứu; tuy nhiên, thường những cá nhân tham gia đều đưa những hướng nghiên cứu vốn là thế mạnh của mình (tất nhiên là phải thuyết phục được Hội đồng xét duyệt về tính cấp thiết), trong khi đó, có nhiều vấn đề thật sự cần thiết và mang lại hiệu quả, nhưng do quá "hóc búa" hoặc khó khăn khi triển khai cho nên không ai thực hiện. Do vậy, bên cạnh việc đấu thầu đề tài, cần có cơ chế "giao" những đề tài này cho những cá nhân, đơn vị có khả năng thực hiện. Kết hợp chặt chẽ giữa trường với viện nghiên cứu để sử dụng, phổ biến các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy và học hỏi thêm kinh nghiệm nghiên cứu.

 Ðể  KHCN đến được với nông dân, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn và trên hết là bỏ qua những rào cản về thủ tục hành chính, hiện không chỉ nguồn vốn phục vụ lĩnh vực trồng trọt bị hạn chế, mà vốn cho các ngành chăn nuôi, thủy sản cũng gặp khó tương tự. Nông dân có làm nhưng thực thu rất thấp dẫn đến tâm lý muốn ly nông, ly hương, bỏ đồng ruộng hoang hóa.

 Ưu tiên cho NCKH nông nghiệp

 Trong Mục tiêu phát triển KHCN nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020, đã đặt ra mục tiêu về tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có kết quả được ứng dụng vào sản xuất đạt hơn 70%; giá trị gia tăng trong nông nghiệp do KHCN đem lại đạt 40% vào năm 2015 và đến năm 2020 con số này là 60%... Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, các nhà khoa học cho rằng, khâu đột phá phải bắt đầu từ đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo, gây lãng phí vốn đầu tư trong lĩnh vực KHCN nông nghiệp. Phát triển KHCN theo chiều sâu, lấy chất lượng và nhu cầu thực tiễn làm thước đo. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp như khen thưởng, giảm thuế... Nguồn kinh phí cho nghiên cứu KHCN nông nghiệp do Nhà nước đầu tư, có thể Nhà nước cho vay vốn ưu đãi...

 GS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đề xuất, có thể thu tiền bản quyền từ phần trăm giá trị xuất khẩu để lấy nguồn vốn hỗ trợ nghiên cứu KHCN. Còn GS, TS Nguyễn Thị Trâm (Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng không thể quay lưng lại với một xu thế đang phát triển khá nhanh trên thế giới. Ðó là từng bước đưa vào sản xuất các cây trồng, vật nuôi biến đổi gen (GMO), có tính năng kháng sâu hại, kháng vi-rút, chống chịu với thuốc diệt cỏ, tăng giá trị dinh dưỡng (như li-zin, ca-rô-ten...) hoặc có những đặc tính riêng biệt khác (như thay đổi thời gian chín của cà chua, tăng a-xít ô-mê-ga 3 và a-xít ô-le-íc trong lạc, tạo loại hành không làm chảy nước mắt...). Bên cạnh đó, là hướng nghiên cứu biến cây trồng hay vật nuôi thành những nồi phản ứng sinh học để sản xuất ra các prô-tê-in có ích cho nhân loại (như dùng cây thuốc lá hay dùng gà để sản xuất vắc-xin, dùng bò để sản xuất ra kích tố tăng trưởng ở người, insulin, chuyển gen vô sinh vào cho muỗi để dần dần khống chế các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết...) chính là hướng phát triển của tương lai mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Muốn tránh tụt hậu so với thế giới, GS, TS Trần Ðức Viên, Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp đề xuất: Cần  tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, cần thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, từ việc tăng thêm ngân sách hằng năm của Nhà nước đến việc tăng tỷ lệ ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở từng trường, tăng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu và đầu tư thêm cho các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu. Tất nhiên, không phải tăng kinh phí một cách "bình quân chủ nghĩa" mà cần đầu tư "có trọng điểm" đối với các đề tài thật sự cần thiết và chắc chắn mang lại hiệu quả nếu được thực hiện tốt.

Nếu khắc phục những hạn chế nội tại từ cơ chế chính sách, đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, những kết quả mà KHCN tạo ra chắc chắn sẽ phục vụ một cách hiệu quả và thiết thực cho công cuộc CNH, HÐH đất nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà Ðảng ta đã đề ra.

 NGỌC SƠN
http://nhandan.org.vn