Ðể mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Thời gian qua, chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT) đã thật sự phát huy hiệu quả. Những thay đổi từ thủ tục khám bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh, thủ tục thanh toán BHYT... trong thời gian gần đây đều nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, ý thức chủ động tham gia BHYT của người dân cho nên số người tham gia BHYT đã gia tăng nhanh chóng, từ 58,2% năm 2009, đến nay đã có 82,01% số dân tham gia, tương ứng 76,6 triệu người.

Thời gian qua, ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền của người có thẻ BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, qua đó tăng số người tham gia BHYT. Ðó là việc ban hành chính sách điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ để giảm dần số tiền mà người dân trả cho các chi phí y tế; chính sách chi trả công bằng các dịch vụ y tế giữa người có thẻ BHYT và chưa có thẻ BHYT để người dân thấy lợi ích khi tham gia BHYT. Bên cạnh đó, triển khai hàng loạt biện pháp để đáp ứng yêu cầu về sự minh bạch, thuận tiện của người tham gia BHYT như ứng dụng công nghệ thông tin để “đo” số lượng, chất lượng cung ứng dịch vụ y tế cho người dân tại các cơ sở y tế; mở rộng đại lý thu BHYT để người dân dễ dàng tham gia BHYT, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế đối với người bệnh...

Tuy nhiên, việc có gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT là một thách thức không nhỏ trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Theo thống kê, hiện có khoảng từ năm đến bảy triệu người thuộc nhóm người lao động và sử dụng lao động đóng BHYT nhưng chưa tham gia do tình trạng trốn đóng, nợ đóng của doanh nghiệp; từ bốn đến năm triệu người thuộc nhóm được ngân sách hỗ trợ một phần mức đóng BHYT do tính tự giác chưa cao; từ bốn đến năm triệu người thuộc nhóm tham gia BHYT hộ gia đình chưa chủ động tham gia. Với phần lớn đối tượng nêu trên có thu nhập trung bình thì sẽ rất khó khăn cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nhiệm vụ nặng nề của ngành BHXH là cần tập trung “giữ” số lượng người đã tham gia, tiếp tục tham gia trong những năm tiếp theo để duy trì sự bền vững của quỹ BHYT.

Ðể phát triển đối tượng tham gia BHYT, một số rào cản cần được tháo gỡ. Ðó là, nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi chưa đúng, dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt; một số doanh nghiệp “lách luật”, trốn đóng BHYT cho người lao động. Ðồng thời, thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT ở một số cơ sở y tế còn gây phiền hà, bức xúc cho người bệnh, có trường hợp người bệnh phải đi lại nhiều lần mới thanh toán được BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT mặc dù đã được cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là tại tuyến cơ sở thiếu cán bộ y tế và yếu về chuyên môn nghiệp vụ.

Quỹ BHYT là quỹ chung của người tham gia BHYT, về nguyên tắc càng nhiều người tham gia thì quỹ càng lớn mạnh, sự chia sẻ cộng đồng càng cao. Ðể đạt mục tiêu đến năm 2020 có hơn 90% số dân tham gia BHYT, các ngành BHXH và y tế cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên. Theo các chuyên gia BHXH, qua nghiên cứu thấy rằng, yếu tố hàng đầu chi phối việc tham gia BHYT của người dân là kinh tế. Người dân có tâm lý không muốn bỏ ra một khoản tiền mua BHYT vì có thể không dùng đến thẻ BHYT, nếu chẳng may phải đi khám, chữa bệnh thì chấp nhận trả tiền. Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến việc người dân tham gia BHYT là lo ngại chất lượng khám, chữa bệnh không đáp ứng được yêu cầu của người có thẻ BHYT. Do đó, để tăng số người tham gia BHYT, cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng mức hỗ trợ các đối tượng khó khăn tham gia BHYT, bổ sung các đối tượng được Nhà nước đóng BHYT. Hiện nay, lương cán bộ y tế đã được tính vào giá dịch vụ y tế, cho nên các địa phương cần sử dụng ngân sách trước đây trả lương cho cán bộ y tế để hỗ trợ các đối tượng khó khăn mua BHYT. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Y tế cơ sở là nơi gần người dân nhất, cần được đầu tư trang thiết bị, nhân lực, thuốc để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân, nhất là tạo thuận tiện cho người dân mắc các bệnh mãn tính, không lây nhiễm tiếp cận dễ dàng. Tỷ lệ quỹ BHYT chuyển cho các trạm y tế xã cũng cần linh hoạt, trạm nào quản lý, chăm sóc người bệnh tốt sẽ được áp dụng mức cao, giúp quản lý người bệnh cho địa bàn xã khác. Người dân cảm nhận được sự chăm sóc tận tình, chu đáo từ mỗi lần khám bệnh sẽ hấp dẫn họ tham gia tiếp và góp phần tuyên truyền cho người thân tham gia BHYT một cách hiệu quả.

Hà Linh
http://www.nhandan.com.vn/