Ðổi thay ở mỗi làng quê
- Thứ ba - 24/02/2015 02:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trồng dưa Kim cô nương bằng công nghệ cao tại xã Song An (Vũ Thư). |
Dạo một vòng qua các xã nông thôn mới trong những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Mùi, không khí xuân len lỏi từng ngõ xóm, dòng người hối hả ngược xuôi sắm tết, đón xuân. Ai đó đi xa, nay có dịp về quê sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay nhanh chóng của làng quê mình.
Những năm trước đây, xã An Châu “nổi tiếng” nghèo nhất huyện Đông Hưng, nhưng cuối năm 2014 An Châu đã trở thành xã nông thôn mới (NTM). Chạy xe dọc theo con đường bê tông khang trang, màu xanh mượt mà, tràn trề sức sống của những ruộng bắp cải, bí có sức hút lạ kỳ. Những bông súp lơ như những thiếu nữ đương thì, đầy đặn, trắng tinh khôi; đây đó, những mạng nhện đêm qua ăn sương còn giăng tơ như cái võng treo đung đưa trên luống rau, bờ cỏ. Không chỉ đổi mới ở diện mạo, một hướng phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập trong NTM - tiêu chí cốt lõi đã được An Châu thực hiện khá tốt. Năm 2012, An Châu đã tiến hành cuộc “cách mạng” về ruộng đất, thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, số thửa sau dồn đổi còn 1,9 thửa/hộ, giảm 4,8 thửa/hộ. Cánh đồng mẫu với diện tích 50,5ha đã được hình thành ngay sau đó, thu hút 277 hộ tham gia với công thức luân canh: lúa xuân - cây màu hè - lúa mùa - cây vụ đông, tăng hệ số quay vòng đất lên 3,3 lần/năm. Cùng với đó, 6,3km mương cấp I loại 3 và 6,5km đường giao thông trục chính nội đồng được bê tông hóa, 500 cống bi được lắp đặt phục vụ sản xuất. Cánh đồng mẫu trải ngút tầm mắt với 2 vụ lúa, 2 vụ màu không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 1,5 lần so với sản xuất truyền thống mà còn góp phần tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất. Năm 2014, An Châu đã xây dựng cánh đồng 4 vụ với diện tích 6,5ha với phương thức thâm canh: 2 vụ mướp đắng, 1 vụ bắp cải chịu nhiệt, 1 vụ rau ưa lạnh. Thu nhập từ cánh đồng 4 vụ ước đạt 195 triệu đồng/ha/năm, là mô hình đầy triển vọng đang được nhân rộng.
Trường Mầm non xã An Châu (Đông Hưng) được đầu tư từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Cũng giống như An Châu, thực hiện xây dựng NTM, xã Điệp Nông (Hưng Hà) đã chọn nông nghiệp là hướng đi chủ đạo, vận động nhân dân khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xã đã quy hoạch 6 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chuyên màu và cấy lúa chất lượng cao mang lại giá trị sản xuất cao, đặc biệt vùng chuyên rau màu diện tích 45ha cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm. Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Điệp Nông cho biết: Việc xây dựng và thực hiện các vùng sản xuất hàng hóa tập trung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất mà còn thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sang sản xuất tập trung theo chỉ đạo và hướng đến sản xuất hàng hóa; chuyển dịch cơ cấu cây trồng tiến đến sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Diện mạo nông thôn Điệp Nông hôm nay “tươi tắn” hơn, đường sá to đẹp, 27,7km đường trục chính nội đồng và kênh mương được bê tông hóa, tạo điểm nhấn cho mảng đồng xanh, thu nhập bình quân đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.
Đường giao thông nông thôn xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư).
Trong quá trình xây dựng NTM, có thể khẳng định, cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh đúng, trúng và hợp lòng dân, như một “luồng gió mới” thổi vào những con đường, mang lại thành công cho tiêu chí giao thông mà khi khởi đầu xây dựng NTM, chính quyền, nhân dân các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Trên 645.000 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh đã về với 276 xã, phường, thị trấn để hoàn thành 4.713,8km đường giao thông các loại và hàng trăm công trình công cộng khác.
Đối với người dân xã Vũ Đoài (Vũ Thư) thì mùa xuân về sớm hơn, xuân của đất trời hòa quyện vào xuân của làng quê NTM. Người dân nơi đây đang rất phấn khởi và tự hào vì đã cùng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Từ một xã thuần nông, kinh tế còn khó khăn nhưng với cách làm khoa học, phong trào xây dựng NTM ở Vũ Đoài đã lan tỏa và thu hút được nhiều nguồn lực tham gia. Năm 2014, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Đến Vũ Đoài hôm nay, những tuyến giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, nhiều ngôi nhà khang trang dọc tuyến đường trục thôn đã nói lên sự đổi thay nhanh chóng. Để có được thành công đó, bên cạnh các chương trình do Nhà nước đầu tư, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã xác định, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn là đòn bẩy đưa kinh tế địa phương phát triển. Từ nguồn ngân sách và huy động sức dân, xã đã làm mới, sửa chữa nhiều tuyến giao thông xuống cấp với kinh phí hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài nhớ lại: Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Vũ Đoài gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, tiêu chí giao thông là tiêu chí khó khăn. Để hoàn thành cứng hóa 23km đường nhánh cấp I, 9km đường trục thôn, trên 9,7km đường trục xã và 5,47km trục nội đồng là bài toán khó cho chính quyền địa phương. Do đó cấp ủy, chính quyền xã xác định, muốn phong trào xây dựng NTM đạt hiệu quả cao thì cần có sự đồng thuận của nhân dân. Với nhận thức “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, địa phương luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công. Vũ Đoài đã tranh thủ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, huy động sự đóng góp của nhân dân và con em xa quê gần 31 tỷ đồng và 7.500m2 đất để hoàn thành xây dựng 100% các tuyến đường giao thông.
Làm nên diện mạo mới cho nông thôn không thể không kể tới hệ thống các thiết chế văn hóa. Cùng với xi măng hỗ trợ của tỉnh, đến nay 27 nhà văn hóa xã, 867 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, cải tạo, xây mới phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Có mặt tại nhà văn hóa thôn Lai Vy, xã Quang Minh (Kiến Xương) cuối giờ chiều, chúng tôi mới cảm nhận hết được nhịp điệu tươi mới, khỏe khoắn của cuộc sống nơi đây. Các cụ già, em nhỏ, thanh thiếu niên nô nức kéo nhau ra nhà văn hóa thôn chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe. Là một trong những thôn đầu tiên của huyện Kiến Xương được UBND tỉnh công nhận “Làng văn hóa” năm 2000, thôn Lai Vy là mảnh đất có truyền thống cách mạng và phong trào văn hóa văn nghệ phát triển. Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa sau xây dựng NTM giúp các hoạt động văn nghệ, thể thao của thôn được củng cố, đi vào nền nếp và nâng cao chất lượng. Thôn có 1 đội văn nghệ với 25 hội viên; 1 đội tế nữ quan, 1 đội tế nam quan với 39 hội viên. Đội văn nghệ của thôn hoạt động rất tích cực, phục vụ các ngày lễ lớn, ngày hội làng…, tham gia các hội diễn của huyện và giao lưu văn nghệ với các xã trong cụm. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nhân dân tích cực hưởng ứng. Ở từng lứa tuổi có các môn thể thao phù hợp: thanh thiếu niên tham gia bóng chuyền với 20 vận động viên, thiếu niên tham gia bóng đá với 15 vận động viên, các cụ cao tuổi tham gia câu lạc bộ khí công dưỡng sinh và đi bộ… Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn thúc đẩy phong trào xây dựng NTM của thôn, của xã phát triển.
Tuy mỗi nơi không khí mừng Đảng, đón xuân có khác nhưng điểm chung là niềm vui, sự phấn chấn, như làn gió mới thổi vào tâm hồn mỗi người. Mỗi địa phương mỗi cách làm nhưng đích đến đều là sự văn minh, ấm no, bình yên. Những đổi thay hôm nay chính là sự khẳng định, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đang từng bước phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mạnh Thắng – Lưu Ngần
Nguồn: baothaibinh.com.vn
Nguồn: baothaibinh.com.vn