Ðông Á Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 28/07/2014 03:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân xã Ðông Á (Ðông Hưng) giải phóng mặt bằng làm đường giao thông. |
Dồn điền đổi thửa (DÐÐT) đất nông nghiệp không phải là một tiêu chí cụ thể trong thực hiện xây dựng NTM nhưng lại tác động đến việc thực hiện các tiêu chí khác: giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo… Nhiều người coi đây như “chìa khóa” thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM bởi khi bố trí, sắp xếp lại ruộng đất theo quy hoạch để tổ chức lại sản xuất sẽ khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của đất đai và điều kiện tự nhiên ở mỗi địa phương. Thông qua DÐÐT cũng giúp quy hoạch lại hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, DÐÐT là một việc làm khó bởi liên quan tới đất đai, tư liệu sản xuất của người nông dân. Nếu tiến hành không thành công sẽ rất dễ gây mất ổn định chính trị ở địa phương. Tư tưởng đa số người dân không muốn xáo trộn, nhất là những hộ đang canh tác ở những thửa ruộng tốt, ruộng gần nhà.
Thực tế, năm 2013, Ðông Á đã thực hiện DÐÐT nhưng chưa triệt để, hiệu quả chưa thực sự rõ rệt. Tình trạng ruộng manh mún, nhiều giống, nhiều trà lúa còn phổ biến. Bắt tay xây dựng NTM, Ðông Á cũng là một trong những địa phương thực hiện DÐÐT muộn so với các xã khác trong tỉnh. “Vạn sự khởi đầu nan”, cũng bởi ách tắc ở khâu mang tính chất quyết định ấy mà tiến độ xây dựng NTM của xã ít nhiều chậm lại. Ðến nay, Ðông Á mới hoàn thành 11/19 tiêu chí NTM, 8 tiêu chí còn lại là: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội đang là những thách thức đối với cán bộ và nhân dân trong xã.
Xác định tầm quan trọng có tính chất quyết định của công tác DÐÐT tới việc hoàn thành các tiêu chí NTM, Ðông Á đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ban đầu, công tác vận động nhân dân còn gặp không ít khó khăn do chất lượng ruộng không đồng đều, đại bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cũng như chưa tin tưởng vào hiệu quả của việc thực hiện DÐÐT. Ban chỉ đạo cùng các tiểu ban của xã đã phải kiên trì, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được DÐÐT là nhu cầu tất yếu để quy vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ðề cao tính dân chủ, tại các cuộc họp ở thôn, cán bộ xã đã trực tiếp xuống lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải đáp các vướng mắc trong nhân dân.
Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, chỗ nào dễ làm trước, khó làm sau, xây dựng các mô hình làm điểm ở một số thôn, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa sang các thôn khác; đến nay, 6/7 thôn đã thực hiện xong DÐÐT, thôn Phú Xuân phấn đấu hoàn thành chia ruộng trong năm nay. Chúng tôi về Ðông Á khi bà con nơi đây đang chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Trên khắp cánh đồng, những chiếc máy làm đất to, nhỏ đang hối hả cày, bừa trên những mảnh ruộng to, vuông vắn. Bà Phạm Thị Tỵ, thôn Ðông A vui vẻ cho biết: “Vụ xuân 2014 là vụ đầu tiên gieo cấy sau khi thực hiện DÐÐT, không còn phải chạy khắp cánh đồng với những mảnh ruộng nhỏ, công cấy, gặt của gia đình tôi giảm đi đáng kể. Ðây cũng là vụ đầu tiên tôi gieo cấy 100% diện tích cùng giống, cùng trà giảm được công lao động và gieo cấy nhanh, gọn”. Ðó là cảm nhận ban đầu của mỗi người nông dân như bà Tỵ về lợi ích của việc DÐÐT. Từ việc DÐÐT, Ðông Á rút kinh nghiệm cho cả quá trình thực hiện 19 tiêu chí NTM đó là phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền. Khi người dân đã hiểu chính mình là chủ thể và là người trực tiếp hưởng lợi từ phong trào thì họ sẵn sàng hiến đất, hiến tài sản trên đất để mở rộng đường, đóng góp tiền đối ứng cùng địa phương xây dựng hạ tầng cơ sở.
Ông Bùi Quang Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Á cho biết: Sau khi Ðông Á cơ bản hoàn thành việc DÐÐT, xã mới đăng ký và tiếp nhận xi măng theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh. Tuy nhập cuộc muộn so với nhiều địa phương khác song người dân nơi đây hưởng ứng rất nhiệt tình. Phong trào làm đường giao thông nhận được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, toàn xã có 32 gia đình ủng hộ số tiền trên 10 triệu đồng, trong đó có hai hộ gia đình ủng hộ 300 triệu đồng là: gia đình ông Lê Văn Tư, gia đình ông Lê Văn Inh thôn Phú Xuân. Xã cũng trích một phần ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí mua đá, trả công thuê máy đảo bê tông, người dân tự giải phóng mặt bằng, mua cát, thi công. Những kết quả đã đạt được chưa làm hài lòng cán bộ, nhân dân xã Ðông Á, lãnh đạo xã xác định việc gì dễ làm trước, khó làm sau, tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở địa phương. Trong năm 2014, Ðông Á đặt mục tiêu hoàn thành 4 tiêu chí: tỷ lệ hộ nghèo, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị.
Lộ trình xây dựng NTM ở Ðông Á còn dài, đích vươn tới NTM còn xa. Song hy vọng rằng, khi nhân dân - chủ thể NTM đã thông, đồng sức đồng lòng cùng Ðảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng NTM thì diện mạo nông thôn nơi đây sẽ có thêm nhiều gam màu mới tươi sáng hơn.
Lưu Ngần/baothaibinh.com.vn