Điểm khác biệt của ‘Chính phủ kiến tạo’

Chinhphu.vn) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn về sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ quản lý điều hành, đồng thời nêu 4 khâu yếu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 18/11, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng Chính phủ kiến tạo là thông điệp có sức lay động, được đánh giá cao ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay đang có rất nhiều cách hiểu khác nhau về thông điệp này.

“Tôi đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn về tinh thần làm việc của Chính phủ hay mô hình của Chính phủ mới. Những nội dung cốt lõi của Chính phủ kiến tạo là gì? Chính phủ kiến tạo khác gì so với Chính phủ quản lý theo kiểu truyền thống?”, ông Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi. 

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nội hàm của Chính phủ kiến tạo gồm nhiều nội dung, nhưng ông xin nhấn mạnh một số vấn đề. 

Trước hết, Chính phủ kiến tạo chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước ta phát triển, không để rơi vào thế bị động. Nhà nước không làm thay thị trường, cái gì làm tốt thì để nhân dân và để xã hội làm. 

Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ là trong nhóm đầu của ASEAN như hiện nay chúng ta đứng thứ tư mà còn phải vươn lên nhóm các nước phát triển của OECD.

Chính phủ kiến tạo phải nâng cao chất lượng an sinh xã hội để phục vụ người dân tốt nhất, trước hết là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa. 

Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt phải thay ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu. “Cán bộ giao mãi không chịu làm, làm chậm trễ để nhân dân mong đợi thì kiến tạo cái gì”, Thủ tướng phát biểu.

Về sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ quản lý điều hành, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ kiến tạo chủ động hơn về thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển. Chính phủ điều hành là có pháp luật rồi, chỉ điều hành trên khung khổ pháp luật đó. 

“Chính phủ kiến tạo là tạo ra sự chủ động hơn cho nên bộ máy Chính phủ vẫn năng động hơn và có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn để áp dụng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong điều hành như thế nào để chủ động tốt hơn chứ không phải rơi vào thế bị động”, Người đứng đầu Chính phủ phát biểu. 

Các khâu yếu về môi trường kinh doanh

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong thời gian qua, Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nâng cao xếp hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn có một số chỉ số được xếp hạng thấp, như chỉ số bảo vệ nhà đầu tư. 

“Chúng tôi sẽ xem xét, rà soát đồng bộ quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho nhà đầu tư”, Thủ tướng nêu rõ. Cùng với đó, kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực đối với nhà đầu tư. Ba là tiếp tục xây dựng Chính phủ điện tử, tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh nhũng nhiễu. 

Nộp thuế cũng là một khâu yếu. Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam năm qua tăng 81 bậc, từ 167 lên tới 86, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. 

“Chúng ta lên như thế, chúng ta đứng thứ tư so với ASEAN nhưng so với các nước xếp ngay trước Việt Nam thì còn khoảng cách quá xa. Cho nên tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là chất lượng, quy trình, nghiệp vụ quản lý, chất lượng phục vụ của cán bộ thuế, nhất là thu thuế qua hóa đơn điện tử là những chủ trương quan trọng để nâng cao điểm về môi trường đầu tư kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thương mại qua biên giới cũng là khâu yếu của Việt Nam, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hạ tầng thương mại khu biên giới, nhất là cửa khẩu, kho bãi, giao thông, v.v... Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, đặc biệt Bộ Công Thương có hướng dẫn để thúc đẩy thương mại qua biên giới, thúc đẩy thương mại điện tử ở Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế.

Thứ tư, một yếu kém nữa là giải quyết phá sản. Mặc dù chúng ta đã có luật pháp nhưng hướng dẫn thể chế pháp luật quy định thủ tục phá sản doanh nghiệp chưa nhanh gọn thông thoáng. 

“Tham gia thị trường và rời thị trường là bình thường nhưng thủ tục của chúng ta thường là kéo dài. Lần này tiếp thu ý kiến Quốc hội, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt cái này để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn”, Thủ tướng nêu rõ. 

Sắp ban hành Nghị định kiểm soát điều kiện kinh doanh

Thủ tướng cũng cho biết hiện có243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và khoảng 4.300 điều kiện kinh doanh tương ứng. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98 yêu cầu các bộ, ngành bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến một nửa số điều kiện kinh doanh hiện hành. 

Một số Bộ đã làm tốt công tác này, ví dụ Bộ Công Thương đã công bố phương án cắt giảm hơn 600 điều kiện kinh doanh các loại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… cũng đã công bố kết quả cắt giảm đạt chỉ tiêu yêu cầu và hơn 1/3 tổng số điều kiện kinh doanh. 

Nhiều bộ đang tích cực rà soát và chưa công bố như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… 

“Không phải bỏ các thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác nhiều hơn. Quyết tâm làm việc này cho tốt và chúng tôi sắp ban hành Nghị định để kiểm soát điều kiện kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.  

Cùng với đó, Chính phủ thiết lập nhiều kênh thông tin để tiếp nhận thông tin từ hộ kinh doanh, từ doanh nghiệp, từ người dân; giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc. 

“Nếu bộ nào cản trở, ảnh hưởng đến những điều kiện kinh doanh, mọc thêm điều kiện kinh doanh thì phải xử lý nghiêm. Chúng tôi đề nghị Quốc hội tích cực giám sát vấn đề này, riêng thủ tục hành chính trong năm 2017 này như báo cáo Quốc hội, chúng tôi đã cắt trên 5 nghìn thủ tục”, Thủ tướng cho biết.

Hà Chính
chinhphu.vn