Điện Biên: Xây dựng nông thôn mới góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo
- Thứ hai - 05/01/2015 05:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2014 ước đạt 9,15 triệu đồng/người/năm tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm từ 50,01% năm 2010 xuống còn 31,49% năm 2014 (giảm 18,52%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại 5 huyện nghèo đã giảm từ 70,44% năm 2010 xuống còn 46,13% năm 2014 (giảm 24,31%).
Đến nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang tiếp tục được tổ chức thực hiện, đã chuyển dịch theo hướng từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững và xuất khẩu. Cơ cấu sản xuất nội ngành từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực. Phát triển nhanh hình thức chăn nuôi lợn gia trại, trang trại, chăn nuôi trâu, bò gia trại hướng thịt; mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; quy mô, giá trị sản xuất lúa chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh tiếp tục được duy trì và phát triển về chất lượng; hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung như chè tuyết shan, cà phê, cao su; trồng rừng sản xuất, gắn với phát triển công nghiệp chế biến từng bước được đẩy mạnh.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng thành công góp phần tăng năng suất, sản lượng, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, phòng trừ dịch hại cho cây trồng, vật nuôi, như quản lý dịch hại tổng hợp IPM, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; công nghệ thụ tinh nhân tạo giống bò tiếp tục duy trì mở rộng, công nghệ nuôi lợn, ứng dụng men vi sinh trong bảo quản, chế biến thức ăn và xử lý môi trường chăn nuôi tiếp tục được ứng dụng hiệu quả.
Liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp bước đầu được hình thành và nhân rộng trên các lĩnh vực sản xuất lúa chất lượng cao, chè, cao su, trồng rừng, chế biến tre, gỗ; bước đầu đã tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất; hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực và chia sẻ rủi ro; tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Đây là mô hình cần thiết nhân rộng trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam