Điện Biên đề ra nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới

Nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành một số chỉ tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Điện Biên lựa chọn hướng phát triển sản xuất lương thực, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao hiệu suất sử dụng đất; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cây công nghiệp như cao-su, cà-phê, chè trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi, khuyến khích phát triển mô hình trang trại, tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm, thủy sản và sản lượng hàng hóa bán ra thị trường; đổi mới công tác quản lý rừng và đất rừng; hoàn thành việc giao đất cho hộ dân và cộng đồng; tăng cường chỉ đạo thực hiện xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong kế hoạch hằng năm.


Đến nay, tất cả các xã của tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch nông thôn mới, trong đó, 41 xã đã được phê duyệt quy hoạch; 29 xã thuộc đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới được ưu tiên đầu tư; tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn đểxây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xem đây là khâu đột phá. Mục tiêu của tỉnh Điện Biên đến năm 2015 là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tổng sản lượng lương thực đạt 238 nghìn tấn; mỗi năm đào tạo nghề khoảng tám nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân gần 4%/năm để đến cuối năm 2015 xuống dưới 30% theo chuẩn nghèo quốc gia mới...

* UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định phân bổ kinh phí mua bảo hiểm y tế năm 2014 cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới sáu tuổi với tổng số tiền hơn 170 tỷ đồng. Theo đó, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo hơn 48 tỷ đồng, đối tượng cận nghèo gần 27 tỷ đồng và trẻ em dưới sáu tuổi hơn 97 tỷ đồng. Toàn bộ số kinh phí này được chuyển vào Quỹ Bảo hiểm y tế theo quy định do Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kiên Giang quản lý. Năm 2013, tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 74 nghìn người nghèo và 77.600 người cận nghèo. Chính sách bảo hiểm y tế đã và đang góp phần tích cực giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, giảm gánh nặng cho kinh tế gia đình trong khám và điều trị bệnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của tỉnh giảm từ 1% đến 1,8%. Sự trợ giúp kịp thời của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đối với người nghèo đã giúp bà con từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên để ổn định cuộc sống.

PV, TTXVN
Nguồn nhandan.org.vn