Điện Biên gặp khó khi xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 29/07/2015 03:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên bắt tay xây dựng nông thôn mới năm 2009, là 1 trong 11 xã trong cả nước được Ban Bí thư Trung ương lựa chọn làm thí điểm. Thời điểm đó, xã đã có 2/19 tiêu chí đạt nông thôn mới. Sau 5 năm triển khai, với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, sự nỗ lực của địa phương, Thanh Chăn đã dẫn đầu toàn tỉnh Điện Biên trong Chương trình xây dựng nông thôn mới với mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,9 triệu đồng vào năm 2009 lên 14 triệu đồng vào năm 2014. Tuy nhiên đến thời điểm này, xã mới đạt 14 tiêu chí. Những tiêu chí còn lại chưa đạt như: chợ nông thôn, thu nhập...
Ông Cà Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, kiến nghị:
- Chúng tôi cũng đã phát huy hết nội lực của bà con nhân dân, nhưng thực ra tiềm lực của bà con về tài chính là rất khó khăn, chủ yếu là đóng góp bằng sức lao động. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hơn trong thời gian tới để làm sao xã Thanh Chăn và 1 số xã khác của tỉnh Điện Biên thực hiện chương trình nông thôn mới sớm đạt đích như các tỉnh miền xuôi.
Thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 6/116 xã đạt từ 10-14 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. 6 xã này thuộc huyện Điện Biên, đều là những xã nằm trong lòng chảo Điện Biên Phủ, thuộc vùng thuận lợi nhất của tỉnh.
Cầu Bản Sáng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Ảnh: Thu Thùy
Ngoài năng lực và nhận thức của chính quyền cơ sở nhiều địa phương còn hạn chế, thì còn một số nguyên nhân khiến cho Điện Biên không có xã nào đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho rằng:
- Các xã của tỉnh Điện Biên chủ yếu có xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân còn hạn chế. Đây là thách thức lớn trong quá trình thực hiện. Hai là nhu cầu cho xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực đầu tư thì rất lớn, nhưng tỉnh Điện Biên lại phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách trung ương; việc huy động sức trong dân hạn chế; các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động cũng khó khăn, do vậy việc huy động các nguồn lực cho nông thôn mới có nhiều khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận nhân dân, trong đó có trách nhiệm của cấp ủy Đảng tuyên truyền chưa tốt, nên nhận thức của nhân dân về chương trình nông thôn mới cũng còn hạn chế, do vậy chưa thật sự tích cực tham gia thực hiện chương trình.
Để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, theo ông Sơn, phải có sự phân vùng và phân các loại nông thôn để đầu tư có trọng tâm. Nếu chỉ đưa ra các tiêu chí và đưa thành nhiệm vụ chung cho các địa phương trong phạm vi toàn quốc thì các địa phương có điều kiện sẽ ưu tiên tập trung đầu tư hơn. Bản thân nội tại của các xã ở các vùng đồng bằng đã có thực lực để phát triển. Do vậy, nên ưu tiên nguồn lực nhiều hơn nữa từ trung ương cho các tỉnh, nhất là các xã khó khăn của các tỉnh miền núi, và các tỉnh miền núi cũng phải phân ra các loại xã khu vực 1, loại xã khu vực 2, khu vực 3…để tập trung đầu tư tốt hơn.
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo nông thôn mới do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì cách đây ít ngày, tỉnh Điện Biên cùng 4 tỉnh khác là Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắc Nông được nhắc đến là những địa phương chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Ban Chỉ đạo quyết định sẽ thành lập các đoàn công tác, tới các tỉnh để nắm bắt thực tế, nhất là tại các xã có khả năng đạt chuẩn, đồng thời đề xuất phương án hỗ trợ các xã này sớm về đích nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên phân bổ kinh phí, nguồn lực cho vùng khó khăn xây dựng nông thôn mới; yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng ra văn bản hướng dẫn các nơi phân bổ vốn để tránh tình trạng phân bổ không đầy đủ cho các xã miền núi, biên giới, nên chính quyền phải huy động quá sức dân; đề nghị các bộ, ngành kiểm tra, nếu để xảy ra huy động quá sức dân thì phải chấn chỉnh ngay.
Theo: vov4.vov.vn