Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới"

"Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng còn thấp, tăng trưởng trong những năm gần đây có xu hướng giảm và phát triển kém bền vững" - đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” được tổ chức sáng 8-9, tại Hà Nội.
Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới"

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng nêu rõ, một số nguyên nhân quan trọng dẫn tới các hạn chế nêu trên là phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.

Đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản cũng như năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên. Từ đó, đề xuất những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Diễn đàn đã nhận được tham luận, ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, các chuyên gia, tập trung bàn về ba nhóm vấn đề chính: thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức về thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế”; thứ hai, vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; thứ ba, thực trạng, giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn, đại diện tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, ngoài áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Trung ương về đất, thuế, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực,… tỉnh Kon Tum còn giúp các doanh nghiệp kinh phí đầu tư hạ tầng (hệ thống tưới, nhà kính, nhà lưới) đối với dự án ngoài Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dù đã đạt được kết quả bước đầu trong phát triển nông nghiệp, song tỉnh Kon Tum cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề cho thuê đất, thuê rừng và nguồn lực thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đáng chú ý, tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung có nhiều tiềm năng đẩy mạnh ngành chăn nuôi các gia súc như bò, dê, hươu, nai,… Tuy nhiên, hiện tỉnh Kon Tum vẫn chưa có trung tâm nghiên cứu giống cỏ và giống động vật để phát triển ngành chăn nuôi chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Xuất phát từ thực tế này, tỉnh kiến nghị Trung ương sớm xem xét xây dựng trung tâm nghiên cứu giống cỏ và giống động vật cấp quốc gia tại Măng Đen theo mô hình đối tác công tư với sự hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Nhà nước.

Theo Hoàng Hà/nhandan.com.vn