Điển hình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Điển hình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội
Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều điển hình với nhiều tiêu chí vượt kế hoạch. Trong số đó, tiêu biểu nhất là các huyện Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Thọ,…

“Ngôi sao” Đan Phượng

Trong 4 năm tích cực xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã xây dựng được 6 tuyến đường liên xã dài 12,8km và 19,73km trục thôn; 136,7km đường ngõ xóm; 80,6km đường trục chính nội đồng. Hệ thống kênh tưới hiện có 148,3km, phục vụ tưới cho 3.119,9ha. Hạ tầng ngành điện được thiết kế xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn, tỷ lệ hộ có điện đạt trên 99%.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế sau khi dồn điển đổi thửa (DĐĐT), huyện có 1 cụm công nghiệp tập trung với diện tích 35,8ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 96%; 5 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 534 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút 6.200 lao động. Khi hình thành vùng sản xuất tập trung, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng quy mô 951,69ha, trong đó, có vùng trồng hoa, rau và cây trồng khác, tạo thu nhập cao từ 160-250 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2014 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 26,5 triệu đồng/người/năm (tăng 12,53 triệu đồng so với năm 2010). Hộ nghèo toàn huyện giảm xuống 880 hộ, tỷ lệ 2,2%.

Những vùng chuyên canh trù phú

Huyện Đông Anh có gần 9.500 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiến hơn 50% diện tích đất tự nhiên) nhưng phần lớn diện tích này nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch; còn lại gần 2.000 ha được quy hoạch để sản xuất nông nghiệp.

Nhờ DĐĐT, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao như: Vùng sản xuất rau an toàn ở xã Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng, Nguyên Khê, Cổ Loa, Tàm Xá; vùng cây cảnh ở xã Uy Nỗ, Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Tiên Dương, Nam Hồng, Kim Nỗ, Hải Bối; vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng chất lượng cao ở xã Thụy Lâm, Dục Tú, Xuân Nộn, Liên Hà; vùng trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô ở xã Tám Xá, Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Đại Mạch, Kim Chung.

Tổng số trang trại trên địa bàn huyện đã phê duyệt là 230 trang trại. Đến nay toàn huyện đã có 60 trang trại hoạt động hiệu quả, với tổng đàn lợn trên 68 nghìn con, đàn gia cầm, thủy cầm trên 2,1 triệu con, trong đó có 3 mô hình được công nhận mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng Viet Gab.

Năm 2014, huyện có 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân thu nhập của người dân Đông Anh đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,24%.

Tại huyện Phúc Thọ, đến hết năm 2014 có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,41%. Huyện hoàn thành DĐĐT 3.708 ha, đạt 100,6% kế hoạch, số thửa bình quân trên 1 hộ giảm từ 5,8 thửa xuống 1,59 thửa. Qua DĐĐT đã hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, như vùng trồng rau an toàn có diện tích 420 ha, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt 600-800 triệu đồng, gấp từ 8-10 lần so với trồng lúa; vùng trồng hoa ly cho thu nhập từ 5,5-6 tỷ/ha; vùng trồng chuối có quy mô trên 30 ha, cho thu nhập từ 350-500 triệu đồng/ha… Năm 2015, huyện Phúc Thọ đăng ký có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 17/22 xã.

Theo: laodong.com.vn