Diện mạo mới sau 4 năm xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Diện mạo mới sau 4 năm xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang
Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diệm mạo nông thôn ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đã có nhiều thay đổi.

Nương chè của người dân ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).


Những con đường bê tông trải dài đến các bản làng thay thế dần con đường câp phối, những vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong khu vực nông thôn…đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Chỉ riêng năm 2014, Tuyên Quang đã huy động được trên 1.700 tỷ đồng, đầu tư xây dựng được trên 640 km đường giao thôn nông thôn, xây dựng 27 công trình hạ tầng lưới điện; 27 công trình trường học và một số hạng mục phụ trợ của trường học; 19 trụ sở xã; 106 công trình thuỷ lợi; 112 công trình nhà văn hoá thôn bản, nhà văn hóa xã... Đến nay, Tuyên Quang đã có 3/7 xã điểm là: Tân Trào huyện Sơn Dương; Mỹ Bằng huyện Yên Sơn và An Khang thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Riêng 04 xã gồm: Thượng Lâm huyện Lâm Bình, Năng Khả huyện Nà Hang, Kim Bình huyện Chiêm Hóa, Bình Xa huyện Hàm Yên đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại vào năm 2015.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương tích cực thực hiện. Các xã đều đã triển kha các đề án, chính sách, quy hoạch đã được phê duyệt; lồng ghép các chương trình, dự án để định hướng hướng dẫn nhân dân và tập trung nguồn lực cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có lợi thế gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho nhân dân. Đến nay, hầu hết các xã đã đạt hiệu quả bước đầu trong quá trình xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đảm bảo sản xuất hàng hóa ổn định góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển xây dựng được các mô hình sản xuất kinh doanh sử dụng có hiệu quả, bền vững.

Quan trọng hơn, qua chương trình, đội ngũ cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã có những chuyển biến tích cực, năng lực quản lý điều hành được nâng lên. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã huy động các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh chung sức hỗ trợ kinh phí, vật liệu, xóa nhà tạm cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Xác định người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã phát huy dân chủ ở cơ sở, lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc từ khâu hiến kế xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân điển hình là phong trào hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường bê tông nông thôn.

Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới còn giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương vận dụng đúng đắn, sáng tạo lời dạy của Bác về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; về “nói đi đôi với làm”; bài học về cán bộ, đảng viên phải gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết. Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. 

 

Minh Quang
Theo baotintuc.vn