Diện mạo nông thôn Thu Cúc đã đổi thay
- Thứ tư - 26/07/2017 12:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện mạo nông thôn Thu Cúc đã đổi thay |
Thu Cúc là một xã miền núi, có 4 dân tộc cùng sinh sống gồm Kinh, Mường, Dao, Mông nên khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), Thu Cúc gặp không ít khó khăn. Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, hiệu quả kinh tế chưa cao nên việc huy động nguồn vốn đóng góp trong nhân dân còn hạn chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của địa phương như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế… đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư, xây dựng.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, thời gian qua, xã đã đẩy mạnh ứng dụng tiến độ KHKT vào đồng ruộng và cơ giới hóa các khâu sản xuất; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác. Ngoài ra, xã tổ chức 6 buổi tập huấn, với 320 người tham gia.
Đồng thời, tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất, chuyển đổi từ chỗ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đạt 19,2ha. Bên cạnh đó, xã còn hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo chương trình 135 được 70 con lợn, với tổng kinh phí 270.000.000 đồng và phát triển sản xuất theo chương trình 30a được 30 con bò giống với 544.500.000 đồng.
Để nâng cao thu nhập người dân, xã đã khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi khép kín, mở rộng ngành nghề, dịch vụ kinh doanh. Nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng góp vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện CNH-HĐH nông thôn, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo góp phần phát triển KT-XH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,7%.
Cùng với nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Thu Cúc đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cùng với nguồn ngân sách xã để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng phát triển sản xuất; tranh thủ nguồn lực của cấp trên hỗ trợ, phong trào làm đường giao thông ở địa phương diễn ra mạnh mẽ theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng như tuyên truyền, vận động toàn thể bà con nhân dân trong xã tình nguyện hiến đất, hoa màu để xây dựng NTM.
Tổng số vốn huy động nguồn lực thực hiện chương trình năm 2016, trong đó vốn Trung ương, tỉnh, huyện 2.204.975.000 đồng, vốn của xã 961.641.000 triệu đồng, còn lại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác ủng hộ. Thu Cúc đã kiên cố hóa con đường từ khu suối Rươm đi khu Cón dài 1.800m, mặt đường đổ bê tông rộng 3,0m và đoạn đường từ thôn Ú đi đồng Ú dài 1.700m…
Hiện nay, địa phương còn lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội ở địa phương như: Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm (mùng 7 tết), người Mường xã Thu Cúc lại tổ chức tết Gioi truyền thống. Tết Gioi theo phong tục của người Mường nơi đây gọi là tết lại, cũng có nghĩa là tết xuống đồng, bắt đầu một năm làm việc mới. Ngày nay, tết Gioi vẫn được địa phương lưu giữ và tổ chức.
Các em học sinh được chăm lo, giáo dục đầy đủ |
Đình làng không còn nữa, những hoạt động văn hóa của đồng bào cũng không kéo dài như xưa, song những hoạt động văn hóa truyền thống như đâm đuống, ném còn, chơi đu, chơi cù, múa ống… vẫn lưu giữ được nguyên vẹn, thêm vào đó là hoạt động thể thao như bóng chuyền, đánh cờ… thu hút đông đảo người dân địa phương và các xã lân cận đến cổ vũ, tham gia.
Sau tết Gioi là lễ hội xuống đồng bằng nghi lễ linh thiêng đi rước vía lúa là nàng cơm, nàng gạo từ Mường Trời về lo cho mùa màng được no đủ ở Mường Người. Hồn lúa ở lại với người cho thóc đầy bồ, ngô đầy thúng và cuộc sống ngày càng ấm no hơn.
Tình hình nn ninh trật tự của xã Thu Cúc được giữ vững, không xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp và kéo dài. Bên cạnh đó xã vận động nhân dân xây dựng điểm thu gom rác thải sinh hoạt 2 lần/tuần về khu xóm đá, khu Giác 1. Ngoài ra UBND xã còn tuyên truyền người dân tự xây dựng công trình xử lý rác tại các hộ gia đình theo mô hình của Hội Phụ nữ xã. |