Diện mạo nông thôn mới ở Ngũ Điền
- Thứ tư - 25/03/2020 03:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đổi thay từ nông thôn mới (NTM)
Điền Lộc được xem là trung tâm của cả vùng, cuối năm 2016, Điền Lộc được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Chương trình xây dựng NTM như luồng gió mới đã khơi dậy và tạo nên sự chuyển biến rõ nét ở một vùng quê mà vài năm trước đây còn rất nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn của chương trình, Điền Lộc đã vận dụng đầu tư, lồng ghép cùng với việc huy động sức dân chung tay đóng góp cho nông nghiệp, nông thôn từ đó tạo tiền đề để địa phương nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang.
Ông Lê Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết: “Sau khi hoàn thành xây dựng NTM năm 2016, chúng tôi đã tập trung nâng chuẩn NTM, đến nay 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, thu nhập bình quân đầu năm 2019 người đạt 45 triệu đồng/người, đời sống tinh thần vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%...”
Xuân Canh Tý 2020 là mùa xuân đầu tiên xã Điền Hải đón Tết trong niềm vui về đích NTM. Tết này, khắp làng trên xóm dưới tràn ngập niềm vui, nhân dân xã phấn khởi, tự hào với những thành quả đã đạt được.
Bà Hoàng Thị Xuân, xã Điền Hải hồ hởi: “Hiểu được xây dựng NTM là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân, từ đó, ai cũng hưởng ứng nhiệt tình, cùng nhau góp sức thực hiện thành công chương trình này. Đến nay, các tuyến đường liên thôn, xóm khang trang, sạch, đẹp; đời sống người dân ngày một nâng cao; tình làng, nghĩa xóm cũng được gắn kết”
“Con đường hạnh phúc” – con đường liên thôn dài 4,2 km ở xã Điền Hòa được bê tông hóa, mở rộng gấp đôi con đường cũ và đã được trồng các loại cây như mai vàng, bằng lăng tím, sao đen tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con nhân dân.
Ông Nguyễn Đăng Thông, xã Điền Hòa không giấu được vẻ xúc động: “Cảm ơn Đảng và nhà nước đã luôn lắng nghe người dân, quan tâm đến đời sống dân sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân dân hưởng thụ các chính sách, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM làm cho kinh tế xã hội ngày càng phát triển, giúp đời sống của người dân được cải thiện, cuộc sống sung túc hơn”
Phát huy lợi thế
Những năm qua, các xã vùng cát trắng Ngũ Điền đã khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh như hệ thống đất cát ven biển để phát triển nuôi trồng thủy sản của vùng Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Phong Hải; diện tích rau màu theo hướng Vietgap, rau hữu cơ đã có chỗ đứng trên thị trường ở Điền Lộc; thương hiệu ném Điền Môn, cây mướp đắng ở Điền Hải; khai thác thủy hải sản trên biển, vùng phá Tam Giang của ngư dân Điền Hải, Phong Hải, Điền Hòa... để làm khâu đột phá trong việc phát triển kinh tế và giải bài toán thu nhập cho người dân.
Ông Đặng Hữu Danh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Môn cho biết: “xã Điền Môn hiện đang xây dựng nhãn hiệu “Ném Điền Môn” và đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống tưới tiêu để hình thành vùng chuyên canh trồng ném tập trung, giúp bà con Nhân dân phát triển cây ném một cách bền vững, đây cũng là cây chủ lực để xã xây dựng sản phẩm OCOP”
Với lợi thế về thổ nhưỡng, cây ném Điền Môn đang không ngừng gia tăng về diện tích, hiện đã đạt con số 40 ha với hơn 100 hộ tham gia trồng, mỗi ha cho thu nhập từ 200 - 220 triệu đồng.
Xã Điền Lộc hàng năm đưa vào gieo trồng hơn 50 ha cây rau, màu trên cát như xà lách, tần ô, ngò, cải...mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 400 hộ dân. Hiện, Điền Lộc đang phát triển mô hình trồng các loại rau theo quy trình chuẩn VietGAP nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo giá trị sản phẩm sạch an toàn và tăng thu nhập cho người dân...
Ông Lê Cư, thôn Nhì Đông, xã Điền Lộc cho biết: “Người dân chúng tôi đang dần thay đổi nhận thức, tích cực tiếp cận, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và cơ giới hóa trong sản xuất, từng bước xoá bỏ tập quán canh tác tự phát nhỏ lẻ theo kiểu tự cung, tự cấp, hướng tới sản xuất hàng hoá theo quy hoạch có chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích”
Trong quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát huyện Phong Điền với diện tích gần 900 ha tập trung ở các xã vùng Ngũ Điền, hàng năm đưa vào nuôi khoảng 300 ha. Hiện nay, huyện Phong Điền đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi, điện lưới, hệ thống ao xử lý nước thải… cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và huyện đang hướng tới nuôi tôm bền vững, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Với lợi thế có khoảng 600 ha mặt nước đầm phá và 16 km bờ biển thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời phát triển các loai hình du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, Ngũ Điền đang có lợi thế về một số cây trồng chủ lực như rau, ném. Huyện Phong Điền xác định vùng ngũ Điền với nhiều lợi thế sẳn có để phát triển KTXH trong thời gian tới”.
Ngũ Điền bao gồm các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hải, Điền Hòa và Phong Hải thuộc huyện Phong Điền. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 03 xã là Phong Hải, Điền Lộc và Điền Hải đã được công nhận xã NTM, xã Điền Hòa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, Điền Môn đạt 17 tiêu chí và Điền Hương đạt 15 tiêu chí.