Điện về Đồng Phú

Là xã điểm xây dựng nông thôn mới ở Đông Nam bộ, những năm qua, kinh tế, xã hội của Tân Lập (H.Đồng Phú, Bình Phước) đã có những chuyển biến rõ nét, nhất là khi dự án cung cấp điện được kiện toàn.
Kéo điện về nông thôn ở Bình Phước - Ảnh: Đình Hoàng
Ông Nguyễn Trọng Quyền, Trưởng ấp 4 (xã Tân Lập), cho hay khi dự án kéo điện về ấp được triển khai, bà con rất phấn khởi. Qua các cuộc họp dân thông tin về dự án và vận động bà con giải phóng mặt bằng, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, nhiều gia đình đã tự giác chặt bỏ vườn cây, hiến đất để trồng cột điện. Dự án kéo điện về ấp 4 có tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỉ đồng, tổng chiều dài đường dây trung và hạ thế gần 4 km đã mang đến nhiều niềm vui vì bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. “Có điện bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi vì có thể nâng cao thu nhập từ chăn nuôi. Các cháu trong ấp thì có điều kiện học hành tốt hơn”, ông Quyền nói.
Điện lưới quốc gia kéo về tận nhà, nhiều gia đình trong ấp 4 đã phát triển chăn nuôi heo, có hộ nuôi đến hàng trăm con. Điển hình như hộ anh Trần Nguyên Hứa với trang trại nuôi hơn 300 con thịt heo, 60 con heo nái, mỗi năm xuất chuồng khoảng 70 tấn thịt heo, cho thu nhập gần 400 triệu đồng. Anh Hứa vui vẻ cho biết: “Trước kia bà con trong ấp tổ chức hùn tiền kéo điện cách đây khoảng 4 km về xài tạm. Mỗi hộ tốn hết chục triệu đồng nhưng chỉ thắp sáng buổi tối cho trẻ học bài thôi, không có điều kiện sản xuất kinh doanh hoặc coi tivi hay quạt mát như bây giờ. Bây giờ, cái thay đổi lớn nhất khi có điện là có thể mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Giống như tôi có thể bơm nước tắm, sấy heo. Rồi còn tự hàn khi sửa chữa trang trại chăn nuôi”.
Có điện quốc gia nên người dân ấp 4 luôn có ý thức tự giác rất lớn trong bảo vệ đường dây điện. Những cây trồng hay vật dụng vi phạm hành lang an toàn lưới điện được bà con tự giác chặt bỏ, di dời. Bất cứ hành vi xâm phạm hay biến động liên quan đến đường dây, cột và trạm điện đều được bà con thông báo cho ngành điện để khắc phục kịp thời.
Sức sống mới
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết địa phương là một trong 11 xã điểm được chọn để xây dựng nông thôn mới ở Đông Nam bộ, đến nay tỷ lệ hộ dân có điện của xã đã lên đến 99%. Nhờ có điện lưới quốc gia về tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nếu như đầu năm có 29 hộ nghèo thì đến nay đã giảm được 6 hộ, thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện đạt mức 35 triệu đồng/năm. “Từ khi có điện, việc giảm số hộ nghèo của xã luôn đạt chỉ tiêu huyện giao. Quan trọng hơn là các hộ nghèo đều có định hướng làm ăn trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật nhờ có điện. Qua đó, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần ổn định”, ông Nam nói.
Theo Điện lực Đồng Phú, mới đây, ngành điện đã đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng dự án điện cho ấp Suối Binh (xã Đồng Tiến). Sắp tới, điện lực huyện sẽ đầu tư dự án cung cấp điện trị giá trên 700 triệu đồng, xây dựng khoảng 2 km đường điện trung thế cho ấp Đồng Tân (xã Tân Hòa) để tiếp tục cấp điện lưới quốc gia an toàn, phục vụ đời sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn… Ông Lê Tấn Sỹ, Phó giám đốc Điện lực Đồng Phú, cho biết hiện tỷ lệ hộ dân trong huyện được dùng điện đã đạt trên 92%. “Kế hoạch năm 2016, chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả các dự án kể trên. Ngoài ra, cũng dành một số vốn chỉnh trang, sửa chữa lại hệ thống điện tại một số xã đã có điện rồi để luôn đảm bảo nguồn điện cho các hộ dân”.
Về Đồng Phú hôm nay, điều dễ dàng cảm nhận nhất chính là các công trình nông thôn mới như đường giao thông, trạm y tế, trường học… đang hoàn thiện hơn mỗi ngày. Cùng với đó là sức sống từ các mô hình kinh tế nông thôn được mở rộng, những xóm ấp bừng sáng trong ánh đèn compact khi nguồn điện lưới quốc gia đang vươn đến từng nhà, ruộng đồng, xưởng máy.
 
Nguồn: thanhnien.vn