Điều chỉnh chính sách hỗ trợ ngư dân: Quyết định hợp lòng dân!
- Thứ tư - 31/08/2016 03:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngay khi thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý bổ sung đối tượng được hỗ trợ do sự cố môi trường biển miền Trung được phát đi, các làng quê miền biển Hà Tĩnh như vỡ òa vì vui sướng.
Cảnh buôn bán tấp nập ở chợ cá Thạch Kim
Bên bàn trà nghi ngút khói của chủ cơ sở chế biến hải sản Trần Văn Toàn (xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, Lộc Hà) mọi người trò chuyện cười nói râm ran. Bà Trần Thị Tứ, vợ ông Toàn xúc động: “Cuối cùng thì lời kêu cứu của chúng tôi cũng thấu tận Trung ương. 137 tấn cá trị giá gần 4 tỷ đồng, nằm trong 2 kho đông lạnh của gia đình tôi “sống dở, chết dở” bấy lâu nay, giờ được kê khai hỗ trợ chúng tôi cũng yên tâm phần nào”.
Không riêng bà Tứ, 24 chủ kho cấp đông tại xã Thạch Kim, có hơn 1.500 tấn hải sản tồn kho trị giá khoảng 70 tỷ đồng đều vui vẻ hẳn lên. Trước đó, theo Hướng dẫn 6851 của Bộ NN&PTNT về kê khai thiệt hại sau sự cố môi trường biển, chủ các cơ sở thu mua tạm trữ hải sản có kho đông lạnh không thuộc diện được hỗ trợ khiến người dân hoang mang, thất vọng.
Tuy nhiên, theo quyết định mới, Chính phủ đồng ý bổ sung các đối tượng này vào diện được kê khai đền bù. Đối với hàng tồn tại các kho, Chính phủ giao Bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm, nếu đảm bảo an toàn thì cấp giấy xác nhận để lưu thông, tiêu thụ; không bảo đảm thì tổ chức tiêu hủy và hỗ trợ theo Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Văn Toàn phấn khởi khi được Chính phủ bổ sung vào diện được kê khai thiệt hại.
Trong khung cảnh mua bán náo nhiệt tại chợ cá Còn Gò (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên), đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt phấn khởi, tươi vui. Ngư dân Lại Thế Sơn, chủ tàu trên 90 CV ở xã Cẩm Nhượng phấn khởi: “Nghe tin chủ tàu trên 90CV và lao động được bổ sung vào diện hỗ trợ, cả đêm nay tôi mừng đến không ngủ được. Mấy hôm trước tôi và nhiều người đã khóc tủi vì không được kê khai hỗ trợ, nhưng hôm nay đã bật khóc vì vui mừng. Bạn thuyền trước đây đã rời bỏ tàu trên 90 CV để về “đầu quân” cho thuyền nhỏ, mong được hỗ trợ, khiến tàu lớn chúng tôi nằm bờ hàng loạt. Nay, biết tin vui này, nhiều người đã liên lạc xin đi lại. Chắc vài hôm nữa, đội tàu gần 20 chiếc trên 90CV của Cẩm Nhượng lại tiếp tục ra khơi”.
Tiếp lời anh Sơn, chị Hồ Thị Thu, chủ cơ sở dịch vụ thu mua chế biến thủy hải sản Thu Hùng (Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Nếu như năm ngoái, đến thời điểm này, tổng doanh thu của chúng tôi đạt từ 4 – 5 tỷ đồng thì năm nay hàng không hề bán được, doanh thu chưa đạt 1 tỷ đồng. Dù không biết được hỗ trợ như thế nào nhưng thông tin được kê khai đền bù thiệt hại khiến chúng tôi yên tâm hơn. Đây là một quyết định rất đúng đắn, hợp lòng dân của Chính phủ”.
Ngoài chủ tàu và lao động trên tàu công suất trên 90 CV, chủ các cơ sở thu mua tạm trữ hải sản có kho đông lạnh, các cơ sở sản xuất ruốc, nước mắm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tạm dừng sản xuất do nguồn nước bị ô nhiễm cũng được đưa vào diện kê khai bồi thường.
Ngư dân Thạch Kim kê khai hỗ trợ
Chị Lê Thị Loan (thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu, Lộc Hà) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 40 ha, trong đó 3,5ha tôm, còn lại là hến. Sự cố môi trường biển vừa qua là nguyên nhân khiến mùa hến năm nay không thu hoạch được đồng nào. Tôm cũng chung số phận khi nuôi thì khó mà giá bán lại rẻ. Gia đình thất thu hàng tỷ đồng. Thêm vào đó, mỗi tháng chúng tôi còn phải trả khoản lãi suất từ 1,5 tỷ vốn vay ngân hàng, chi phí thuê người bảo vệ bãi hến... Chính vì thế, quyết đinh bổ sung kịp thời của Chính phủ khiến tôi hết sức vui mừng và phần nào giúp tôi và những người nuôi trồng thuỷ sản lấy lại tinh thần để vượt qua khó khăn’.
Có thể nói, quyết định bổ sung thêm đối tượng vào diện hỗ trợ của Chính phủ đã làm sống lại tinh thần của một bộ phận lớn ngư dân và những người lao động, sản xuất liên quan nghề biển. Trong niềm vui chung này, rất nhiều ngư dân, người lao động lại tiếp tục vươn khơi, vươn xa để bảo vệ chủ quyền biển đảo và mang về những đoàn thuyền đầy ắp cá tôm…
Theo Phan Trâm- Thu Ngọc/baohatinh.vn