Điều kiện mở rộng cánh đồng tiền tỷ: Hình thành chuỗi liên kết “4 nhà”

Đó là một trong những điều kiện mà ông Lê Tiến Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, đưa ra để khuyến khích cán bộ ngành nông nghiệp cũng như nông dân xây dựng thành công cánh đồng tiền tỷ trong thời gian tới.
Điều kiện mở rộng cánh đồng tiền tỷ: Hình thành chuỗi liên kết “4 nhà”

Ông có thể đánh giá tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh nhà đang có?

Tuyên Quang sở hữu diện tích đất nông, lâm, nghiệp khá lớn, chiếm trên 90% diện tích đất tự nhiên. Đất đai tương đối tốt, khí hậu thuận lợi, mạng lưới sông ngòi phân bố đồng đều, tạo cho tỉnh thế mạnh, lợi thế riêng.

Có lẽ vì thế mà nông nghiệp Tuyên Quang rất đa dạng trong việc lựa chọn các loại cây trồng chủ lực. Chúng tôi đang có 8.400ha chè, công suất chế biến  200 - 250 tấn/ngày. Hay cây mía cũng đang được chúng tôi đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, quy hoạch thành vùng nguyên liệu sản xuất. Theo đó, tới năm 2020, dự kiến diện tích mía của tỉnh đạt trên 18.500ha.

Tuyên Quang cũng đang có trên 4.500ha cam sành, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 34.000 tấn. Theo đề án của tỉnh đến năm 2020, diện tích cam sẽ đạt trên 8.000ha, sản lượng 70.000 tấn.

Tuyên Quang đã và đang phát huy thế mạnh của mình như thế nào, thưa ông?

Những năm qua, Tuyên Quang luôn chú trọng phát triển, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng hàng hoá, tạo ra các vùng chuyên canh, xây dựng được nhãn hiệu và đang từng bước khẳng định vị trí của mình trên thị trường.

Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 32 vạn tấn, bình quân lương thực 450kg/người/năm; độ che phủ rừng duy trì trên 60%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2014 ước đạt trên 6.520 tỷ đồng.

Điển hình là mô hình trồng cam sành ở Hàm Yên. Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Thành (Hàm Yên), sử dụng giống cam sành từ 9-12 tuổi, với quy mô 5ha và 7 hộ gia đình tham gia. Chi phí thực hiện tuy cao hơn từ 6 - 8,5 triệu đồng/ha nhưng năng suất và giá bán cao hơn 12 - 15% so với sản xuất đại trà. Tháng 11/2013, mô hình đã được cấp chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP. Các hộ tham gia mô hình được các siêu thị lớn trong cả nước tới đặt hàng.

Theo ông, để hình thành nhiều cánh đồng tiền tỷ, Tuyên Quang cần những điều kiện gì?

Theo tôi, cần tiếp tục tổ chức lại cơ cấu sản xuất, liên kết chặt chẽ “4 nhà” thành chuỗi sản xuất khép kín, giúp nông dân tích tụ ruộng đất, có vốn để họ thực hiện.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tiếp tục cải cách thể chế; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp.

Tích cực chuyển đổi ruộng đất để tạo điều kiện cho canh tác theo những phương thức lớn, hiện đại. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến nông, thủy, lâm sản. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm để duy trì và giữ vững được thương hiệu sản phẩm.

Thời gian tới, Tuyên Quang xác định đưa những cây, con nào vào sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh, thưa ông?

Với thế mạnh của mình, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tập trung phát triển cây chè, cam, mía, lạc, gỗ nguyên liệu, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng quy mô đàn gia cầm, đàn lợn. Đồng thời, phát triển thủy sản theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Năm 2014, HĐND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với cây cam, chè đặc sản và mía; trâu và cá đặc sản. Hiện, Tuyên Quang đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa những chính sách của tỉnh để khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Văn
Theo kinhtenongthon.com.vn