Đổi mới trong công tác khuyến nông

Nhiều doanh nghiệp đã có đội ngũ "khuyến nông viên" chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trước khi bán giống cây trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhiều doanh nghiệp đã có đội ngũ "khuyến nông viên" chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trước khi bán giống cây trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa hoàn thành đề án Đổi mới công tác khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trọng tâm của Đề án là nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở và huy động các nguồn lực của doanh nghiệp cùng vào cuộc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.
Theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tuy công tác khuyến nông đã có những bước phát triển nhanh, hệ thống tổ chức khuyến nông phát triển mạnh từ Trung ương đến cơ sở nhưng hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế.

Điển hình như các chương trình, dự án khuyến nông nhìn chung còn phân tán, dàn trải, triển khai còn chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khuyến nông.

Cùng với đó, việc thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khuyến nông của các cơ quan thuộc Bộ NNPTNT còn lúng túng, chưa toàn diện. Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động và cơ chế đầu tư cho hoạt động khuyến nông địa phương còn thiếu tính thống nhất…

Ngoài ra, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa khuyến nông Nhà nước với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp để huy động nguồn lực phục vụ hoạt động khuyến nông.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án khuyến nông Trung ương còn chưa thực sự bám sát các chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông còn chưa linh hoạt, đa dạng, hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông còn chưa phát triển để đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhất là khuyến nông cơ sở còn yếu...

Ông Phan Huy Thông nhấn mạnh, cần đổi mới công tác khuyến nông mà trọng tâm là đổi mới về cơ chế chính sách, phương thức quản lý và tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên phạm vi toàn quốc.

Trước mắt, giai đoạn 2014-2016 sẽ tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền, công tác đào tạo và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Theo đó, lĩnh vực khuyến nông sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các tiến bộ khoa học-công nghệ, thông tin sản xuất, thị trường, giá cả phục vụ tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các sự kiện khuyến nông nhằm liên kết “bốn nhà” để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông cũng sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, ưu tiên trọng tâm cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở.

Thực hiện thí điểm chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ kỹ thuật viên ngành nông nghiệp cấp xã (như thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt thủy sản, người làm nghề dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, cán bộ HTX...) và đào tạo các nông dân tham gia sản xuất nông sản hàng hóa gắn với quy hoạch nông thôn mới nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

Trong giai đoạn này, ngành khuyến nông cũng sẽ triển khai các dự án khuyến nông trung ương giai đoạn 2014- 2016 đã phê duyệt; đồng thời tiếp tục bổ sung thêm các dự án khuyến nông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo quy trình GAP và một số dự án khuyến nông dành cho công tác xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn; thực hiện thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP)…

Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn