Doanh nghiệp đông nhưng không mạnh

Đây là năm thứ 11 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện báo cáo doanh nghiệp Việt Nam nhưng một đặc điểm xuyên suốt chưa có sự cải thiện là quy mô doanh nghiệp vẫn còn quá nhỏ.

Ngày 21-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2016.

Chưa khai thác lợi thế

Trong giai đoạn 2007-2015, tổng nguồn vốn của DN trong nền kinh tế đã tăng gấp 5 lần, từ 4,8 triệu tỉ đồng lên 23,6 triệu tỉ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,6%/năm. Tốc độ tăng trưởng vốn đạt mức cao nhất so với tốc độ tăng trưởng về số lượng DN và quy mô lao động cho thấy DN phát triển chủ yếu dựa vào vốn. Điều này là nghịch lý vì Việt Nam là nước có lợi thế về lao động nhưng DN lại không tập trung khai thác được lợi thế này.

Quy mô bình quân của DN xét theo tiêu chí lao động đã giảm từ 49 xuống chỉ còn 29 lao động/DN, cho thấy tỉ trọng DN nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng và Việt Nam vẫn thiếu DN cỡ trung bình. Đến nay, cả nước có 546.000 DN, nếu trừ số mới thành lập chưa đi vào hoạt động thì còn 478.000 DN. Tốc độ tăng trưởng của DN đang hoạt động có bứt phá nhưng kỳ vọng đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả là mục tiêu tương đối thách thức.

'Quy mô bình quân của doanh nghiệp xét theo tiêu chí lao động đã giảm mạnh Ảnh: TẤN THẠNH'

Quy mô bình quân của doanh nghiệp xét theo tiêu chí lao động đã giảm mạnh Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, cảnh báo rằng muốn cạnh tranh, DN phải tăng quy mô. Ông Khương kể trong một lần tháp tùng lãnh đạo Đảng và nhà nước sang thăm Trung Quốc mà ông làm trưởng đoàn DN, lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đặt vấn đề với trưởng đoàn DN chắp mối làm việc với ngân hàng nông nghiệp bản địa để tìm cơ hội hợp tác đầu tư.

VCCI bố trí Agribank gặp gỡ lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau 5 phút, đại diện Agribank đã rời cuộc gặp vì “bạn có tài sản lớn gấp nhiều lần Agribank, không thể hợp tác”. Từ ví dụ này, ông Khương nhấn mạnh nếu không mở rộng quy mô, DN Việt Nam không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Chưa hiểu về quản trị

Theo ông Đoàn Duy Khương, yếu tố tiên quyết để tăng quy mô là nâng cao quản trị, đây là vấn đề mà DN Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí nhiều DN đã hoạt động nhưng chưa có điều lệ hay bộ quy tắc quản trị công ty.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết Luật DN 2014 đã quy định 3 vấn đề rất quan trọng đối với quản trị DN. Đó là đưa ra mô hình quản trị mới; chế định trách nhiệm HĐQT và quản trị đối với DN nhà nước. Trong đó, phân biệt rất rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của HĐQT.

Tuy nhiên, rất ít DN nhận thức được tầm quan trọng của quản trị DN, vẫn còn nhầm lẫn giữa sở hữu và quản lý, số đông còn chưa mạnh dạn áp dụng mô hình quản trị mới.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng tương lai của DN phụ thuộc vào vấn đề nâng cao năng lực quản trị công ty. “Đại gia Việt Nam chủ yếu giàu từ đất và khai thác tài nguyên khoáng sản thì trong tương lai, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam dựa trên nền tảng nào? Cần có sự đổi mới, sáng tạo để DN Việt Nam vươn lên” - ông Doanh nhấn mạnh.

Chưa giải quyết được vấn đề chuyển giá

Năm 2008-2009, tỉ lệ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thua lỗ lần lượt là 51,2% và 49,8% nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong cả giai đoạn 2007-2015, tỉ lệ DN FDI thua lỗ cũng chiếm trên 40% và chỉ giảm lỗ khi Chính phủ đưa ra một số giải pháp để kiểm soát việc chuyển giá thông qua thanh tra. Năm 2010-2011, tỉ lệ DN FDI thua lỗ đã giảm xuống còn 44,2% và 45%, thấp nhất trong giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên, từ năm 2012-2015, tỉ lệ DN FDI thua lỗ tăng cao trở lại cùng với xu hướng khó khăn chung của nền kinh tế. Chỉ có năm 2015, tỉ lệ thua lỗ của DN FDI xuống vị trí thứ hai, sau khu vực DN nhà nước.

Tuy nhiên, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của DN FDI luôn dẫn đầu, liên tục tăng từ 12,2% lên 12,8% trong các năm 2007-2009. Trong thời kỳ khó khăn chung của nền kinh tế năm 2010-2011, ROA của khu vực FDI giảm xuống mức 12,5% và 11,5% và sau đó phục hồi lên mức 12,9% trong các năm 2012-2015. “DN FDI mặc dù báo lỗ rất nhiều nhưng hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) lại khá nhất, luôn đứng đầu trong 3 khu vực DN. Điều này cho thấy vấn đề chuyển giá vẫn chưa được giải quyết” - bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, nhìn nhận.

Theo Tô Hà

Người lao động