Doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng: Lỗi của "3 nhà"

Chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp khó tiếp cận vay vốn ngân hàng do lỗi của ngân hàng, nhà nước và của chính doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh minh họa)
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh tới việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ, cần triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.
 
Song, trên thực tế, vẫn còn nhiều trở ngại trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó nổi cộm là vấn đề "đói" vốn.
 
Doanh nghiệp "đói" vốn
 
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, tín dụng cho DNNVV chiếm 21% trong tổng dư nợ tín dụng. Hiện, khoảng 60% DNNVV chưa sử dụng nguồn vốn ngân hàng, phần lớn trong số này là không tiếp cận được. Đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp, họ không có vốn, tài sản thế chấp, mà chỉ có trí tuệ, ý tưởng và phương án kinh doanh.
 
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, trách nhiệm này thuộc về cả 3 nhà, gồm: Nhà nước (đại diện là Ngân hàng nhà nước, các bộ ngành liên quan); ngân hàng và các tổ chức tài chính; và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ.
 
Nhà nước còn nhiều khuôn khổ chính sách, nên chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng còn thờ ơ trong quan hệ với khách hàng là DNNVV. Ngân hàng vẫn cho vay bằng việc thế chấp để đảm bảo an toàn. Nhưng nền kinh tế số và khởi nghiệp, các dự án đầu tư nông nghiệp  không có nhiều tài sản, hiện vật để vay. Các dự án và ý tưởng kinh doanh là nguồn lực quan trọng lại ít được coi là căn cứ để cấp tín dụng, ông Lộc nêu thực tế.
 
Bản thân các DNNVV cũng thiếu minh bạch trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các phương án kinh doanh ít khả thi. Đây là lý do để các thiết chế tài chính và tín dụng từ chối cấp vốn, Chủ tịch VCCI cho hay.
 
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nhà nước cần có cải cách mạnh mẽ hơn về khung khổ chính sách, pháp luật, thúc đẩy cho vay DNNVV, khởi nghiệp, phù hợp với công nghiệp 4.0. Cần có chính sách mới về đất đai, để thúc đẩy cho vay, tài chính cho khu vực này.
 
"Chết" vì nhiều rủi ro
 
Trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội mới đây về phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Tiến Sinh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ cần đánh giá việc thành lập DN, sản xuất kinh doanh của DN nói chung. Từ Quốc hội khoá XV, mỗi năm có 50.000 DN "chết", đến nay vẫn tình trạng như vậy.
 
Từ đó, ông Sinh băn khoăn liệu đến năm 2020 có đạt mục tiêu 1 triệu DN nếu tình trạng DN vẫn "chết" nhiều mà chưa xác định rõ nguyên nhân tại sao. Theo nhận định của ông Đỗ Tiến Sinh, DN "chết" vì rủi ro thị trường và thể chế, quản lý, chính sách...
 
Ông Sinh nêu thực tế: "Đùng một cái làm BT đổi đất lấy công trình, giờ dừng lại khiến nhiều DN "ngã ngửa". thanh tra và kiểm toán vào đều có chuyện. Chưa kể một loạt khu kinh tế từ Tây Ninh đến Móng Cái còn bao nhiều khu kinh tế "sống", bao nhiêu DN đầu tư vào đó đã "chết". Không phải DN không có chiến lược, không có tính toán mà nói thẳng đó là cơ chế..."
 
Theo quan điểm của ông Đỗ Tiến Sinh, rủi ro về thị trường DN sẵn sàng chấp nhận nhưng không can tâm rủi ro "chết" vì chính sách"
 

Theo VOV