Doanh nghiệp thủy sản chưa mặn mà với VietGap

Để chuẩn bị cho ngành thủy sản chủ động hội nhập với thị trường thế giới, từ năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình VietGap (Thực hành nông nghiệp tốt) trong nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đến nay, việc áp dụng quy trình nuôi này vẫn còn bị nhiều doanh nghiệp “quay lưng”.
 
Doanh nghiệp “chê” VietGap
 
Gần 35 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, nhiều năm bán tôm ra nước ngoài, công ty này chưa thấy một khách hàng nào yêu cầu sản phẩm phải đạt chứng nhận VietGap mà họ chỉ yêu cầu có chứng nhận BAP, ASC, Global Gap… Không những thế, các tiêu chí của VietGap còn yêu cầu cao hơn so với các chứng nhận khác.
 

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy Âu Vững, Giá Rai, Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

“Chứng nhận BAP là chứng nhận toàn cầu, mà sản phẩm tôm của Việt Nam chủ yếu xuất đi toàn cầu, còn tiêu dùng trong nước số lượng rất ít. Vì thế, tại sao Việt Nam không dùng chứng nhận BAP để chứng nhận cho tất cả các khâu sản xuất của ngành tôm mà phải làm chứng nhận riêng VietGap?”, ông Quang thắc mắc.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Phước, Trưởng phòng Thu mua nguyên liệu, Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Vĩnh Lộc (TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, thị trường nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm đạt chứng nhận nào thì phía công ty sẽ cử người xuống các vùng nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long tìm hiểu. Khi đó, vùng nuôi nào đáp ứng tiêu chuẩn này thì doanh nghiệp mới ký hợp đồng thu mua và có thể liên kết lâu dài đối với các ao nuôi thực hiện tốt. Còn đối với các mặt hàng đạt chứng nhận VietGap, doanh nghiệp sẽ mua và chế biến để xuất khẩu vào các thị trường chỉ yêu cầu phải đảm bảo chất lượng khi kiểm tra.
 
Đề xuất liên thông hệ thống chứng nhận
 
Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp chưa mặn mà với hệ thống chứng nhận VietGap, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, GlobalGap, ASC, MSC… là những tiêu chuẩn tự nguyện, doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường đó. Các tiêu chuẩn này cũng đóng vai trò như một phần giá trị gia tăng cho sản phẩm của doanh nghiệp. Còn VietGap hiện chưa phải là yêu cầu của nhà nhập khẩu, do đó họ cảm thấy chưa ở trạng thái sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu đó.
 
“Trên thực tế, nếu chúng ta làm tốt việc giới thiệu, quảng bá chứng nhận VietGap thì sẽ có nhiều người tiêu dùng ở các nước biết đến và khi được thừa nhận, việc áp dụng VietGap sẽ trở nên phổ biến hơn. Khi đó, VietGap sẽ là một cam kết của nhà xuất khẩu rằng, sản phẩm của chúng tôi làm ra được giám sát theo một quy trình chặt chẽ, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Về phía VASEP, chúng tôi vẫn luôn khuyến khích các doanh nghiệp, người nuôi áp dụng quy trình VietGap trong nuôi trồng thủy sản để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của các thị trường về an toàn vệ sinh thực phẩm”. - ông Hòe cho hay.
 
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho rằng, VietGap là một tiêu chuẩn rất cần thiết để đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm Việt Nam. Trên thế giới, bất kỳ quốc gia nào cũng có một tiêu chuẩn và biểu tượng nhất định để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn đưa sản phẩm vào thị trường nào thì phải đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường đó.
 
Tuy nhiên, để người dân không phải làm cùng lúc 3-4 chứng nhận, ông Thắng cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản nghiên cứu đề án liên thông hệ thống các chứng nhận lại với nhau. Nghĩa là vùng nuôi đạt chứng nhận này rồi thì có thể nhận được các chứng nhận khác, từ đó giảm chi phí cho người nuôi, thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu thủy sản.
 

Số liệu của Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho thấy, nếu như vào thời điểm cuối tháng 10/2015, cả nước chỉ mới có 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGap trên tổng diện tích hơn 686 ha thì đến nay đã có 192 cơ sở đạt chứng nhận VietGap với tổng diện tích khoảng 1.400 ha, tăng gấp 2 - 2,5 lần. Hiện có rất nhiều bộ tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế của các tổ chức phi chính phủ đặt ra như: GlobalGap, ASC, MSC, AquaGap, BAP, SQF 1000, … Các thị trường khác nhau lại yêu cầu tiêu chuẩn khác nhau. Chẳng hạn, các nước Tây Âu thường yêu cầu sản phẩm đạt GlobalGap, thị trường Mỹ lại yêu cầu tiêu chuẩn BAP…, các nước Đông Âu, châu Phi hiện nay không cần chứng nhận mà là sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của họ.

H.Chung
http://baotintuc.vn/