Độc đáo: Làm giàu nhờ nghề nuôi loài ngựa trắng "toàn tập" ở Lào Cai
- Thứ bảy - 02/11/2019 07:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, huyện Si Ma Cai triển khai mô hình nuôi ngựa bạch tại một số xã trên địa bàn. Có 68 nhóm hộ đăng ký tham gia mô hình, tập trung ở các xã: Lử Thẩn, Lùng Sui, Quan Thần Sán, Si Ma Cai, Thào Chư Phìn, Nàn Sín, Bản Mế, Sín Chéng.
Các nhóm hộ được hỗ trợ tiền giống từ nguồn vốn Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy (50 triệu đồng/con/nhóm hộ). Bên cạnh đó, để mô hình triển khai hiệu quả, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc ngựa bạch.
Người dân xã Lử Thẩn chăm sóc ngựa bạch.
Gia đình ông Hoàng Quang Long, ở thôn Lử Thẩn, xã Lử Thẩn trước đây từng nuôi ngựa thường. Năm 2019, gia đình ông cùng một số hộ trong thôn tham gia nuôi ngựa bạch theo chủ trương của huyện và xã.
Với kinh nghiệm chăm sóc đại gia súc, lại thêm sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ xã nên ngựa bạch của nhóm hộ này phát triển tốt. Ông Long hy vọng đây sẽ là nguồn thu ổn định cho nhóm hộ, từ đó có thể mở rộng quy mô chăn nuôi trong tương lai.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Người dân Si Ma Cai có truyền thống và kinh nghiệm nuôi ngựa bạch, tuy nhiên số lượng đàn không nhiều và bị gián đoạn trong khoảng thời gian chục năm gần đây. Huyện Si Ma Cai hiện có hơn 500 con ngựa, trong đó có khoảng 100 con ngựa bạch. Hiện đàn ngựa bạch đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Giống ngựa bạch được nuôi ở địa phương có đặc tính hiền, dễ chăm sóc, sau khoảng 2 - 3 năm chăm sóc là có thể xuất bán, chất lượng thịt tốt, được sử dụng để lấy thịt và làm nguyên liệu nấu cao. Ngựa bạch có giá trị kinh tế cao hơn 4 - 5 lần so với ngựa thông thường. |
Đặc biệt, với nhu cầu cao của thị trường như hiện nay (cung không đủ cầu) thì giá trị kinh tế của ngựa bạch được đánh giá rất khả quan. Ngoài ra, cùng với việc mở hướng đi mới cho nông dân, huyện Si Ma Cai cũng hướng đến mở rộng vùng chăn nuôi, phát triển nghề nuôi ngựa bạch và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.
Là một trong những địa phương triển khai mô hình, xã Si Ma Cai hiện có 10 con ngựa bạch. Đến thời điểm này, việc triển khai xây dựng sản phẩm OCOP ở xã gặp nhiều khó khăn vì chưa tìm được sản phẩm thế mạnh đặc thù. Đây cũng là khó khăn lớn của địa phương trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Phạm Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Si Ma Cai cho biết: Bên cạnh việc triển khai trồng 0,5 ha cây tam thất, việc hỗ trợ người dân nuôi ngựa bạch được chính quyền quan tâm, định hướng để xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Có thể nói, việc lựa chọn, triển khai mô hình nuôi ngựa bạch ở vùng cao Si Ma Cai được thực hiện dựa trên những thuận lợi, thế mạnh của địa phương và đang mở ra những tín hiệu khả quan.
Hy vọng với những cách làm cụ thể, mô hình nuôi ngựa bạch này sẽ giúp tăng nhanh đàn đại gia súc trên địa bàn huyện Si Ma Cai, giúp các hộ có nguồn thu ổn định, đồng thời từ sản phẩm này, các địa phương có thêm cơ sở để lựa chọn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. |
Xem bài viết gốc tại đây