Độc đáo và hiếm có: Làng người Mông “3 không” ở tỉnh Lâm Đồng
- Thứ bảy - 14/03/2020 02:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ TP.Đà Lạt (trung tâm của tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi vượt qua những cung đường đèo dài theo Quốc lộ 27 để đến huyện nghèo Đam Rông - nơi có bản làng “3 không” của người Mông. Trước mắt chúng tôi là những triền đồi trắng xóa hoa cà phê đang bung nở, khí hậu mát mẻ, trong lành đến lạ.
Không rượu, không thuốc, không tệ nạn
Ông Giàng Seo Pao (bên phải) kể về những đổi thay ở thôn 5, xã Rô Men. Ảnh: Văn Long
"Thuốc lá thì rất độc hại rồi, ai cũng biết. Nó làm cho người hút và người hít phải khói thuốc đều bị bệnh về lâu dài. Rượu thì các ông chồng uống vào sẽ say xỉn, không lo làm ăn, lại còn đánh vợ, đánh con làm cho hạnh phúc gia đình bị rạn nứt. Vì thế nên mọi người phải nhận thức được rồi từ bỏ”. Ông Giàng Seo Pao |
Từ trung tâm xã Rô Men, theo chân anh Trung - cán bộ văn hóa xã, chiếc xe máy của chúng tôi bon bon trên con đường nhựa bằng phẳng ở xã thứ hai về đích nông thôn mới của huyện Đam Rông. Dừng lại trước cổng chào của thôn 5, nơi có những điều đặc biệt mà phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay mong muốn tìm hiểu, anh Trung giới thiệu:
“Đây, tiệm tạp hóa nằm ở đầu làng luôn, cũng là nhà của anh Trưởng thôn Sùng A Sáng (40 tuổi), người tôi đã liên hệ trước đó để anh em vào làng tìm hiểu thông tin”. Khá cẩn thận, dù đã được cán bộ xã liên hệ trước nhưng anh Sáng vẫn hỏi những giấy tờ cần thiết của phóng viên trước khi làm việc.
Đã qua 9 năm làm trưởng thôn 5, anh Sáng là người hiểu rõ nhất những thay đổi cả về kinh tế, cuộc sống và ý thức của người dân trong vùng hơn ai hết. Được biết, người dân trong thôn đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, vì vậy, để gặp được khá khó, nếu được thì cũng rất muộn.
“Tất cả người dân trong làng đều từ phía Bắc vào đây, được Nhà nước tạo điều kiện tái định cư tại thôn 5, xã Rô Men này từ năm 2002. Những ngày đầu, cuộc sống rất khó khăn, nhưng đến nay nhờ người dân tiết kiệm, chịu khó và chính sách của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống của người dân địa phương đã thay đổi đáng kể.
Người dân trong thôn không hề xảy ra việc uống rượu, bia, thuốc lá hay có tệ nạn xã hội. Đây là điều đặc biệt nhất ở trong thôn, nó cũng như quy ước đối với người Mông khi từ các vùng khác muốn vào đây sinh sống. Khi muốn định cư, trước hết họ phải tuân thủ các quy định cần thiết của Nhà nước, sau đó là phải cam kết không uống rượu, bia, tệ nạn xã hội” - anh Sáng vừa rót nước trà vừa chia sẻ cho phóng viên biết.
Là người con quê Bắc Hà (Lào Cai), gia đình sống tại bản địa vẫn giữ phong tục truyền thống uống rượu ngô, thổi khèn, làm mèn mén. Thế nhưng, từ khi vào Lâm Đồng lập nghiệp, anh Sáng và người dân địa phương cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nơi ở mới.
“Mèn mén là món truyền thống của người Mông chúng tôi, tuy nhiên vì vào đây không có nhiều đất nên chỉ khi rảnh rỗi mới làm để gia đình ăn, món thịt gác bếp hay thắng cố cũng vậy, chỉ lễ, tết mới làm” - anh Sáng nói.
Không ra khỏi nhà sau 9 giờ tối
Dẫn phóng viên đi dọc con đường với chiếc cổng chào lớn với dòng chữ “Thôn văn hóa thôn 5”, trưởng thôn cho biết, tính đến cuối năm 2019, toàn thôn có 173 hộ với 789 nhân khẩu. Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, cả thôn rất vui với các trò chơi như ném còn, cầu lông… Tuy nhiên, việc tụ tập rượu chè, thuốc lá thì không hề diễn ra, mọi người chỉ dùng nước ngọt.
“Cùng với nhận thức về cuộc sống lành mạnh, không rượu chè, thuốc lá, tệ nạn để xây dựng kinh tế gia đình, địa phương thì chúng tôi còn tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, trong thôn đã có người dân hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn rộng hơn 1.500m2.
Hiện nay, các con đường trong thôn được bêtông hóa, không còn cảnh lội bùn mỗi khi mùa mưa đến cũng là nhờ Nhà nước, đặc biệt có 3 hộ dân đã hiến đất làm đường” - anh Sáng chia sẻ.
Điều khiến phóng viên thêm một lần ngạc nhiên nữa là tình hình an ninh trật tự tại địa phương cũng được đảm bảo tuyệt đối. Tại ngôi làng Mông này, sau 21h thì các thành viên trong gia đình sẽ trở về nhà mình và đi ngủ. Đặc biệt, nếu có người lạ đến chơi tại gia đình nào đó trong thôn, dù chỉ ở lại một đêm cũng phải báo với trưởng thôn và công an viên để làm thủ tục tạm trú, tạm vắng. Nếu không tuân thủ điều này, xảy ra chuyện gì vi phạm pháp luật, gia đình đó phải chịu trách nhiệm.
Ngồi trên chiếc ghế để ngoài sân đất, ông Giàng Seo Pao (55 tuổi, thôn 5, xã Rô Men) chia sẻ với phóng viên: “Trong thôn ai cũng vậy, chúng tôi đã nhận thức được tác hại của bia, rượu, thuốc lá, chính vì vậy mọi người đều xa lánh. Thuốc lá thì rất độc hại rồi, ai cũng biết. Nó làm cho người hút và người hít phải khói thuốc đều bị bệnh về lâu dài.
Rượu thì các ông chồng uống vào sẽ say xỉn, không lo làm ăn, lại còn đánh vợ, đánh con làm cho gia đình bị rạn nứt. Vì thế nên mọi người nhận thức được rồi từ bỏ”.
Hiện, gia đình ông Giàng Seo Pao có 1ha cà phê, tuy nhiên thời gian tới ông sẽ xen canh sầu riêng và bơ để có thêm thu nhập. Ông cùng vợ con vào Lâm Đồng sau những người khác trong thôn.
Từ năm 2004, ông cùng bạn vào tiểu khu 179 để kiếm đất lập nghiệp, thế nhưng địa điểm đó lại là đất rừng phòng hộ tại huyện Lâm Hà (thời điểm đó, huyện Đam Rông chưa được tách ra từ huyện Lâm Hà), vì vậy, chính quyền địa phương đã thành lập khu tái định cư và đưa người dân về thôn 5, xã Rô Men hiện tại để sinh sống.
“Quê ở Hà Giang thì đất đồi núi rất dốc, chỉ có ruộng bậc thang. Ở đó chỉ trồng mì để nuôi gà, nuôi lợn, không thể phát triển kinh tế được. Chính vì vậy, nhiều người đã đi tìm những vùng đất mới như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông để lập nghiệp. Những ngày đó, chúng tôi rất khó khăn, phải đi xin hạt thóc giống của đồng bào ở Đạ Tông về trồng, mà vẫn chẳng đủ ăn, còn phải lên rừng đào củ dong, kiếm dây mây đem đi bán để có thức ăn hàng ngày” - ông Pao nhớ lại thời gian khó khăn của cả làng.
Tuy khó khăn là thế nhưng với bản tính cần cù, tiết kiệm, ham học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế người dân thôn 5, xã Rô Men nói riêng và huyện nghèo Đam Rông nói chung đang dần đi lên, để lại dấu ấn đặc biệt. Hiện, xã Rô Men và xã Đạ Rsal của huyện Đam Rông đã được công bố đạt chuẩn nông thôn mới, điều này cũng là sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Mông tại địa phương. |
http://danviet.vn/nha-nong/doc-dao-va-hiem-co-lang-nguoi-mong-3-khong-o-tinh-lam-dong-1067574.html