Đổi đời nhờ đường giao thông nông thôn
- Thứ tư - 01/07/2015 02:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trẻ em ấp Bình Mỹ B (Bình Thạnh, Cao Lãnh, Đồng Tháp) tung tăng trên con đường bê tông rộng mở - Ảnh: Hải Đường |
Làm đường giao thông nông thôn (GTNT) đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa rộng lớn với nhiều mô hình hay, sáng tạo ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhân dịp tổng kết 5 năm xây dựng và phát triển GTNT giai đoạn 2010-2015; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, từ số báo này, Báo Giao thông khởi đăng loạt bài: "Đổi đời nhờ đường giao thông nông thôn" nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình trong xây dựng GTNT, góp phần thay đổi diện mạo và đời sống người dân các vùng nông thôn Việt Nam.
Kỳ 1: Nhà nhà hiến đất làm đường ở xứ Cù Lao
Hàng trăm năm qua, người dân xứ cù lao Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) phải chịu cảnh đi lại trên những con đường sình lầy, bụi bặm, vận chuyển hàng hoá ứ trệ, khiến đời sống vô cùng khốn khó. Nhưng nay nhờ những con đường GTNT được đầu tư khang trang, rộng rãi, cuộc sống hàng nghìn hộ dân nơi đây đã khấm khá hơn nhiều.
Hiến đất, đốn cây làm đường
Xứ cù lao Bình Thạnh, nơi nổi tiếng với những vườn cây ăn trái bạt ngàn nằm giữa con sông Tiền thơ mộng. Tại đây, đến nhà nào chúng tôi cũng nghe bà con bàn tán chuyện nhà này nhà kia rủ nhau hiến đất làm đường GTNT.
Bên chén trà nóng gần con đường bê tông rộng mở chạy xuyên trên cù lao, ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh kể, trước đây kinh tế của xứ cù lao chủ yếu là vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa tươi sống rất khó khăn bởi sự chia cắt của hệ thống kênh rạch chằng chịt. Người dân khổ cực quanh năm, làm chẳng đủ ăn.
“Mùa lũ năm 2000, hầu hết diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn bị ngập nước, cây trái đều thiệt hại nặng. Ngay sau nước lũ rút, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống đê bao kết hợp GTNT trên địa bàn toàn xã. Việc làm này vừa bảo vệ vườn cây ăn trái, vừa góp phần cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân được thuận lợi hơn. Thấy được mục đích ý nghĩa này nên người dân nhiệt tình ủng hộ”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, để có nguồn vốn lớn xây dựng hệ thống giao thông, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, tạo nhiều phong trào thi đua sôi nổi. Nổi bật nhất là phong trào hiến đất, đốn cây làm đường GTNT, phong trào hộ gia đình đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống GTNT với mức đóng góp 50 nghìn đồng/1.000m2/năm đã được thực hiện xuyên suốt từ năm 2000 đến nay. Qua đó đã xây dựng được 24,39km đường bê tông, đường rải đá cấp phối và 16 cây cầu được sửa chữa, xây dựng mới với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn hiến đất và góp ngày công lao động trị giá gần 22 tỷ đồng.
Anh Hiếu đã hiến gần 1,5 công đất vườn để làm đường |
Cuộc sống khấm khá
“Nhờ những con đường GTNT, cuộc sống của bà con trên cù lao này khấm khá lên thấy rõ. Không tin chú cứ đi khảo sát một vòng là biết tôi nói đúng hay sai”, ông Tuấn nói.
Để cảm nhận rõ hơn lời ông Tuấn, chúng tôi khảo sát một vòng xứ cù lao. Gặp chúng tôi, ông Phan Văn Khi, ngụ ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh phấn khởi kể, năm 2013 khi xã triển khai xây dựng đường GTNT gia đình ông ủng hộ đầu tiên. “Gần nhà tôi là con đường nhỏ. Nghe chính quyền thông báo mở rộng lên 4m là tôi đồng ý ngay. Đây là niềm mơ ước bao đời của bà con nơi đây. Sau khi bàn bạc, gia đình tôi tự nguyện hiến trên 2.445m2 đất vườn, đốn 35 cây xoài cát Hoà Lộc hơn 20 năm tuổi, 54 cây chanh đang trong giai đoạn thu hoạch và một số cây trồng khác, tổng giá trị trên 350 triệu đồng. Nhờ giao thông thông thoáng, tiện việc vận chuyển hàng hóa nên tính đến nay, tôi đã thu lại số tiền gấp mấy lần bỏ ra”.
Dùng tiền tiết kiệm xây cầu bê tông Những năm qua, trước thực trạng người dân nông thôn, nhất là vùng căn cứ kháng chiến còn nhiều khó khăn trong việc học hành, đi lại bằng những cây cầu tạm, cầu khỉ... bà Tống Thanh Mai, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đã lấy tiền tiết kiệm hàng năm của mình, đồng thời kêu gọi người thân, bạn bè vận động các tổ chức từ thiện ở TP HCM, các kiều bào… ủng hộ kinh phí xây dựng được 20 cây cầu bê tông với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong đó, số tiền ban đầu của bà Mai là trên 200 triệu đồng. |
Gia đình ông Trần Minh Quan, ngụ ấp Bình Mỹ A, cũng hiến gần 1.000m2 đất vườn, 15 cây xoài, 15 cây chanh tổng trị giá trên 250 triệu đồng. “Dân chúng tôi giờ được đi trên con đường bê tông rộng hơn 3m rất khang trang. Nhờ con đường này nên tới mùa thu hoạch xoài, chanh, chỉ cần điện thoại là thương lái cho xe đến chở đi, không còn cảnh bơi xuồng chở hàng đi bán, khiêng lên kéo xuống cực nhọc nữa”, ông Quan hồ hởi.
Anh Châu Văn Hiếu, ngụ ấp Bình Tân cũng hiến trên 1,5 công đất, đốn hạ 20 cây xoài Cát Chu để làm đường bê tông. “Khi đường rộng ra, đổ bê tông sạch sẽ, khang trang, nhà cửa hiện ra mặt tiền, lập tức mọi thứ đều có giá trị tăng lên. Người dân thấy được điều đó rất có lợi để phát triển kinh tế nên sẵn sàng tình nguyện hiến đất, đốn cây làm đường”, anh Hiếu nói.
Ông Nguyễn Văn Tô (63 tuổi, ngụ ấp Bình Hoà) chia sẻ: “Nhìn nhiều thế hệ học sinh đi học về quần áo, tập sách dính đầy bùn sình, giống như đi bắt cá hôi mà thấy đau lòng. Bởi vậy khi chính quyền địa phương vận động hiến đất, tôi đồng ý cái rụp, hiến liền 1 công đất trị giá hơn 200 triệu đồng. Từ ngày có đường bê tông, bà con trong xóm thương yêu, đùm bọc nhau nhiều hơn. Nhờ có đường bê tông rộng mở nên bà con tối tối thường tới lui thăm hỏi nhau. Những đêm trăng sáng nhìn đám trẻ tung tăng trên đường, tôi thấy lòng mình như trẻ lại”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xứ cù lao Bình Thạnh này, việc hiến đất làm đường GTNT đã trở thành phong trào thường xuyên nhiều năm qua. Nhờ đó, toàn xã Bình Thạnh hiện nay không còn đường đất, tất cả đều bê tông hoá. Bên cạnh đó là những ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên hai bên đường.
Ông Trần Ngô Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, Bình Thạnh là một trong những xã đứng đầu toàn tỉnh về phong trào hiến đất vườn, cây ăn trái làm đường GTNT. Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2010-2014, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng mới và nâng cấp trên 634 km đường GTNT, xây dựng mới 511 cây cầu nông thôn các loại, với tổng kinh phí trên 2 nghìn tỷ đồng.
Ông Tuấn cho biết, người dân không chỉ đóng góp tiền, đất mà cả hàng trăm nghìn ngày công lao động. Các tuyến đường xã, đường nông thôn khi đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội của người dân vùng nông thôn cũng theo đó phát triển hơn trước đây.
Theo baogiaothong.vn