Đổi mới căn bản trong quản lý nợ công

Quốc hội vừa thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Một trong những vấn đề lớn phải tranh luận đến phút chót mới thống nhất được, đó là giao trách nhiệm quản lý nợ công cho một đầu mối duy nhất là Bộ Tài chính, thay vì để “ba người đi vay, một người trả nợ” như hiện nay.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trở thành đại công trường đội vốn và dở dang của Hà Nội gần một thập kỷ qua. Ảnh: THẾ ĐẠI

Quy về một đầu mối

Quản lý nợ công của Việt Nam có điểm khác với thông lệ quốc tế là ba cơ quan cùng chịu trách nhiệm, gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong đó, cả ba cơ quan cùng đi đàm phán, vay nợ, còn Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất cân đối nguồn trả nợ. Nay, việc quy định thống nhất cho Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý nợ công là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bộ, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính. Đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế, khắc phục tình trạng quản lý nợ công còn phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công, tăng cường việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý ODA. Cụ thể, từ tháng 6-2017, Chính phủ đã đẩy mạnh cơ chế cho vay lại vốn ODA thay vì cấp phát. Đồng thời nguồn vốn vay công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng và có tác động lan tỏa để từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công.

Nợ công tăng gấp ba lần tốc độ tăng GDP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định về nguyên tắc, phải quản lý nợ công để tốc độ tăng trưởng nợ công tương đương hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và trượt giá. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công của Việt Nam tăng bình quân 18,4%/năm, tức là cao gấp ba lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Vay dễ thì giải ngân khó giữ được nguyên tắc. Bộ KH&ĐT cho biết, khi chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định đầu tư “còn tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách Trung ương và địa phương”. Trong mỗi giai đoạn 2005-2010 và 2011-2015, cả nước có khoảng hơn 20 nghìn dự án được các bộ, ngành, địa phương ra quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu, không rõ khả năng giải ngân.

Đáng lo ngại, không ít dự án được bố trí từ nguồn vốn Trung ương chưa thể chữa được “căn bệnh kinh niên” đội vốn, thi công kéo dài, làm giảm hiệu quả sử dụng công trình và tăng gánh nặng nợ công. Trong đó có những dự án trọng điểm như dự án đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)…

Tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên được thực hiện từ tháng 3-2007, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mốc này sẽ phải lùi đến 2020. Nhưng đến nay, Bộ KH&ĐT chưa thể đưa dự án vào kế hoạch vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân vì mức điều chỉnh vốn quá lớn, từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng. UBND thành phố Hồ Chí Minh phải tạm ứng ngân sách để chi trả cho các nhà thầu 1.100 tỷ đồng. Về cơ bản, dự án vẫn phải chờ ban hành cơ chế đặc thù để điều chỉnh.

Tương tự như vậy, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông với sứ mệnh “giải vây” cho giao thông đô thị cũng trở thành đại công trường dở dang của Hà Nội gần một thập kỷ qua. Năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133 triệu USD. Năm 2016, dự án phải điều chỉnh lên 868 triệu USD (tăng 315 triệu). Sau nhiều lần chậm tiến độ, công trình một lần nữa phải hoãn thi công vì China Eximbank gặp khó khăn việc giải ngân 250 triệu USD bổ sung, kéo theo các khoản nợ đọng tăng dần với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị và triển khai dự án. Hiện chưa biết dự án sẽ kéo dài thi công đến khi nào!?

Nguy cơ “vỡ kế hoạch” vốn ODA

Báo cáo của Chính phủ cho biết nợ công năm 2017 đạt khoảng trên 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Thực tế, dư nợ công đã sắp đụng mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP. 5 năm gần đây, nợ công tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020 đã giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công. Cụ thể là trần nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% và nợ nước ngoài không quá 50%. Tổng vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2016-2020 là không quá 2 triệu tỷ đồng, bao gồm cả chỉ tiêu vay nước ngoài được giới hạn ở mức tối đa 300.000 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra cho quản lý nợ công hiện nay là với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương thì khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 gặp khó khăn, tạo sức ép lên trần nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ của ngân sách Nhà nước (NSNN). Bởi số vốn ODA ký thêm sau thời điểm lập kế hoạch đã lên đến khoảng 4,1 tỷ đồng, bên cạnh đó còn 10 tỷ đồng đang có chủ trương đàm phán và sẽ ký kết.

Để kiểm soát, Quốc hội đã giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách “gác cửa”, khi mức vay đến “điểm G” sẽ có văn bản chính thức thông báo với Chính phủ. Trong thực tế, Ủy ban này đã hai lần có văn bản nhắc Chính phủ báo cáo về khả năng vốn vay nước ngoài sắp vượt khung. Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT rà soát, tập hợp số liệu để báo cáo Quốc hội xử lý. Thông tin ban đầu cho thấy có địa phương đã vượt tổng định mức vốn vay 5 triệu USD.

BÍCH NGÂN
http://www.nhandan.com.vn/