Đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nông nghiệp

Việc tìm kiếm nhiều cách làm mới, cải tiến nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành tăng sức cạnh tranh thay vì bằng những mánh khóe chộp giật, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đang là những vấn đề đặt ra đối với khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Chế phẩm chứa bào tử bacillus dành cho chăn nuôi lợn và tôm của BioSpring. Ảnh | Thanh Giang Font Size:     |

Thời gian gần đây, câu chuyện về việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi để tăng nhanh vòng thu hoạch hay đánh lừa chất lượng thực phẩm đối với người tiêu dùng đến mức báo động và gây ra những dư luận không tốt cho sản phẩm nông nghiệp không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn đối với cả việc xuất khẩu. Việc tìm kiếm con đường lợi nhuận bằng những hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh làm xói mòn niềm tin của thị trường, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như uy tín của cả nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp đang là đòi hỏi bắt buộc để các doanh nghiệp vượt lên chính mình, tự làm mới mình để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng tính cạnh tranh một cách bền vững của mình. Đó là những khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn cho sự phát triển bền vững của khu vực nông nghiệp và nông thôn, nhất là trong thời điểm nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Khan hiếm sáng kiến

Theo một khảo sát khu vực đồng bằng sông Hồng (bao gồm 10 tỉnh và thành phố với dân số khoảng 19 triệu người), các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu chuyển dịch từ sản xuất nguyên liệu thô sang chế biến mang lại giá trị gia tăng cao nhằm mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường phát triển. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các công nghệ mới áp dụng trong quá trình chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, chưa tính đến sự khan hiếm của các nghiên cứu thị trường và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn cho việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam và tiếp cận với thị trường quốc tế. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc đầu tư và hướng tới thị trường quốc tế, thiếu khả năng và chuyên môn để tiếp thu hiệu quả và hưởng lợi từ các cải tiến công nghệ và trong hầu hết các trường hợp, không có khả năng tiếp cận thông tin liên quan ở thị trường quốc tế. Mặt khác, việc tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các dịch vụ tư vấn đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế, chất lượng của các dịch vụ này cũng không được bảo đảm. Một vài nhà cung cấp dịch vụ đang nỗ lực cung cấp các gói dịch vụ này, tuy nhiên, những cố gắng của họ vẫn còn ở mức độ nhỏ lẻ và việc chia sẻ thông tin giữa những doanh nghiệp này chưa thật sự thường xuyên. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn còn thiếu một khối lượng lớn các phương thức để cải thiện việc phổ biến các sáng kiến và ứng dụng.

Đối với các thị trường thế giới có yêu cầu khắt khe như khu vực châu Âu; các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và thực phẩm an toàn như giảm lượng muối, đường, chất béo và thay vào đó bằng những thành phần “sạch” mà không làm giảm chất lượng sản phẩm, kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm và các sản phẩm chứa protein ngăn ngừa dị ứng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam lại không thực hiện các quy trình trồng trọt, sản xuất và chế biến sản phẩm đúng cách, dẫn đến thực phẩm có thể chứa nhiều mầm bệnh. Đồng thời, hiện tượng dư lượng chất độc hại và thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép khá phổ biến. Khối lượng các sản phẩm đưa ra thị trường còn hạn chế, các sản phẩm thường dễ hỏng là nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Mặc dù hiện vẫn có các tiêu chuẩn như Global GAP, HACCP, BRC, SQR, và ISO 22000, không nhiều doanh nghiệp có thể thực hiện theo các tiêu chuẩn này một cách chuẩn hóa. Đồng thời, việc áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và chế biến thực phẩm vẫn còn hạn chế do thiếu những nghiên cứu về thực phẩm, thiếu kinh phí. Tỷ lệ đổi mới công nghệ và thiết bị của Việt Nam trong những năm gần đây chỉ ở mức 7%, bằng 1/2 hoặc 1/3 các nước khác. Xu hướng này cũng có thể nhận thấy trong Báo cáo Đánh giá đổi mới khoa học công nghệ tại Việt Nam do Ngân hàng thế giới và tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCED) công bố trong tháng 11 năm 2014.



Rong nho, một trong những sản phẩm mà V2I BK-Holdings đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Trí Tín.

Thời cơ tháo gỡ “rào cản”

Trên một khía cạnh tích cực, hiện có nhiều chương trình tại Việt Nam nhằm hỗ trợ đổi mới về khoa học công nghệ như Chương trình IPP, Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST), Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người có thu nhập thấp (VIIP) và Trung tâm Sáng tạo Khí hậu Việt (VCIC), đã tài trợ khoảng 190 triệu USD cho các công ty đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Vì vậy, đây là thời điểm đúng lúc và cần thiết để có một nhà phát triển hệ thống mới giúp đỡ các công ty cải tiến công nghệ, và ở mức độ thấp hơn là các doanh nghiệp mới thành lập nhằm hưởng lợi từ các cải tiến cộng nghệ và nguồn vốn, đồng thời kết nối các bên liên quan trong khu vực, tạo ra sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình Hỗ trợ Sáng tạo Việt Nam, một chương trình hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu chuỗi giá trị thực phẩm tại đồng bằng sông Hồng được quản lý bởi BK-Holdings, SNV Việt Nam, BDIC và Trung tâm nghiên cứu sản phẩm tự nhiên liên ngành Việt Nam - Vương quốc Anh hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình chế biến, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, hỗ trợ tài chính cho việc chuyển giao công nghệ và sáng tạo ở Việt Nam cũng như tiếp cận thị trường quốc tế đang hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam bằng đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong sản xuất, làm ra các sản phẩm với chất lượng cao hơn, phù hợp các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu hay các nước phát triển trên thế giới.

Việc tiếp cận với các công nghệ mới áp dụng trong quá trình chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, chưa tính đến sự khan hiếm của các nghiên cứu thị trường và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn cho việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam và tiếp cận với thị trường quốc tế.

Đây là thời điểm đúng lúc và cần thiết để có một nhà phát triển hệ thống mới giúp đỡ các công ty cải tiến công nghệ, và ở mức độ thấp hơn là các doanh nghiệp mới thành lập nhằm hưởng lợi từ các cải tiến cộng nghệ và nguồn vốn, đồng thời kết nối các bên liên quan trong khu vực, tạo ra sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

BẰNG LINH
http://nhandan.com.vn/