Đổi mới từ chủ thể con người

Đổi mới từ chủ thể con người
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chủ thể xây dựng NTM là người dân và đối tượng hưởng thụ cũng là nhân dân.


Quá trình triển khai, những vùng nông thôn đã và đang được khoác trên mình tấm áo mới với những đổi thay rõ rệt về diện mạo, hạ tầng. Thế nhưng, NTM không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới mà quan trọng là có con người mới, suy nghĩ mới, cách sản xuất mới, ứng xử mới, tầm nhìn mới và lối sống mới. Đây mới là mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM ở nước ta. 

Bước chuyển lớn về văn hóa

Những đám cưới tiết kiệm, trang trọng; những đám tang không còn cỗ bàn ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã trở nên phổ biến chỉ sau gần 4 năm triển khai xây dựng NTM. Một NTM đang hiện hữu từ những thứ giản đơn như vệ sinh môi trường, phong trào khuyến học, thể dục thể thao, văn minh trong việc cưới, việc tang… Làm được điều đó chính là nhờ sự đổi mới trong tư duy, nhận thức của người nông dân - chủ thể xây dựng NTM. Tư duy đúng dẫn đến hành động đúng. Đó là những nét nổi bật, khác biệt trong văn hóa nông thôn so với những năm trước khi xây dựng NTM. 

 
Làng quê Tân Hội (huyện Đan Phượng) khởi sắc từng ngày.Ảnh: Linh Ngọc
Làng quê Tân Hội (huyện Đan Phượng) khởi sắc từng ngày.Ảnh: Linh Ngọc


Tại thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên đã quen với cảnh mỗi tối thứ bảy, chị em phụ nữ lại rủ nhau ra nhà văn hóa tập chèo. Đây là môn nghệ thuật truyền thống của vùng quê này mà những người lớn tuổi ai cũng biết và rất thích. Không chỉ luyện tập để biểu diễn trong thôn, xã những ngày lễ, Tết, câu lạc bộ chèo còn thường xuyên giao lưu với các xã bạn, huyện bạn. Bí thư Chi bộ thôn Phong Triều Phạm Xuân Tiến đã tham gia công tác ở thôn 12 năm nay không giấu sự tự hào: Gần 4 năm xây dựng NTM cũng là khoảng thời gian đời sống văn hóa tinh thần của người dân có bước chuyển dài. Nếu như trước đây, thể dục thể thao ở nông thôn là một khái niệm khá xa vời thì hiện nay, người dân Phong Triều lại đam mê các môn bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, múa quạt... 

Không riêng gì Nam Triều mà tại nhiều xã trên địa bàn thành phố, nhận thức của nhân dân đã có bước chuyển biến lớn. Từ chỗ cho rằng xây dựng NTM là việc của huyện, của thành phố, sử dụng ngân sách nhà nước và kiến nghị đầu tư công trình này công trình khác… đến nay người dân đã "xắn tay" vào mọi việc như hiến đất làm đường, xây dựng đường làng ngõ xóm, trồng hoa, cây cảnh, vệ sinh nơi công cộng, tạo diện mạo mới cho nông thôn. Chỉ trong ba năm, thông qua chương trình xây dựng NTM, toàn thành phố đã huy động được từ nhân dân tới 1.691.725 triệu đồng và hàng chục nghìn mét vuông đất - một con số không nhỏ. Không chỉ đóng góp, nhiều địa phương, người dân còn hăng hái chỉnh trang và giữ gìn các công trình hạ tầng ở địa phương. Tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, nhân dân đã xây dựng thành công mô hình điểm đường giao thông thôn xóm "sáng, xanh, sạch, đẹp" với những đường dây điện "rác trời" được bó gọn, đất trống ven đường trồng cây xanh và hoa, bờ ao hồ được kè, đặt ghế đá... 

Vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Dù đã có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên, những "mặt trái" của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế cũng đã tác động không nhỏ tới đời sống văn hóa tinh thần của khu vực nông thôn. Đâu đó vẫn còn những "khoảng tối". Tệ nạn xã hội vẫn len lỏi gõ cửa nhiều gia đình, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là những phong tục tập quán tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm "tối lửa tắt đèn" ở nhiều khu vực nông thôn đang có dấu hiệu phai nhạt… 

Từ cuối năm 2013, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng NTM. Tuy vậy, theo Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Minh, địa phương vẫn còn nhiều việc "chưa tròn", xuất phát từ chính ý thức của bộ phận nhân dân chưa tích cực tham gia vào các tiêu chí văn hóa, môi trường. "Dù đã có quy ước, nhưng nhiều hộ vẫn đổ rác thải chưa đúng nơi quy định. Các thôn đã có quy ước về việc cấm nuôi chó thả rông, nhưng còn có hộ chưa chấp hành…" - ông Minh trăn trở. Cụ Lương Tất Tố, năm nay 74 tuổi, ở xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên cũng đau đáu cho rằng: "Cái luộm thuộm nhất ở nông thôn hiện nay là rác nhiều và xả bừa bãi".

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Tùng Lâm, tồn tại lớn nhất ở vùng nông thôn hiện nay là ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc ao hồ dần bị thu hẹp, bị lấp dần dẫn đến hễ mưa là ngập lụt, Phú Xuyên có nhiều làng nghề phát triển, cũng là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm. Ví dụ như tại thôn Xảo Hạ (xã Quang Lãng) và thôn Bái Đô (Tri Thủy), hàng nghìn hộ dân đang phải sống chung với mùi hôi thối từ chất thải của các lò mổ trâu. Song khi đặt vấn đề về tình trạng ô nhiễm môi trường và chất lượng cuộc sống, đa số người dân tại hai thôn này đều cho rằng họ phải chấp nhận "sống chung với ô nhiễm" vì đây là nghề mưu sinh. Tuy nhiên, nếu từng hộ làm nghề đều có ý thức bảo vệ môi trường trong giết mổ, thực hiện các biện pháp thu gom đổ rác và xả thải hợp lý cũng có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho cộng đồng và chính bản thân họ. 
(Còn nữa)
Nguyễn Mai
Nguồn hanoimoi.com.vn