Đổi mới tư duy, hành động để hỗ trợ nông dân hiệu quả
- Thứ sáu - 28/04/2017 03:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ động dẫn dắt ND
Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN tập trung thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của ND; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ giúp nông dân triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp ND tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp...
Phó Chủ tịch thường trực Lều Vũ Điều (phải) và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị ngày 27.4. Ảnh: T.Đ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn nhấn mạnh, Ban chấp hành T.Ư và các cấp hội phải có trách nhiệm tham gia đề xuất, kiến nghị giải quyết những khó khăn, bức xúc chính đáng của ND. Muốn vậy, Hội NDVN phải khẩn trương hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, chủ động sáng tạo để định hướng, dẫn dắt ND thực hiện có hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp NDVN vững mạnh.
Giải quyết từng khó khăn của ND Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh các cấp Hội sẽ tập trung giải quyết từng vấn đề khó khăn của ND chứ không dàn trải như những năm qua. “Sắp tới Hội sẽ tập trung triển khai dịch vụ hỗ trợ ND. Quỹ của Hội sẽ tập trung xây dựng các mô hình sản xuất cho ND. Hội phải liên kết với doanh nghiệp nhà khoa học để hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ và cung ứng giống” - Chủ tịch Lại Xuân Môn kết luận.
|
Theo ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An, một số vấn đề khó khăn của “tam nông” hiện nay đã ở tầm vĩ mô nên để kiến nghị bảo vệ ND với các cơ quan chức năng, cán bộ hội phải sáng tạo và dám nghĩ, dám làm. “Hai năm qua, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh sửa đổi chính sách cho 2 dự án nuôi tôm nước lợ và cánh đồng lớn nhằm hỗ trợ ND và đã thành công” - ông Hùng chia sẻ.
Không đi đường vòng
Tại hội nghị, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới thì các cấp Hội, cán bộ hội, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải mạnh dạn đặt lịch làm việc với cấp ủy, chính quyền. Trước khi làm việc, Hội cần xác định rõ những nội dung góp ý, kiến nghị, đề xuất về sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến ND.
Bà Hoàng Thị Bích Hằng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Đồng Nai nêu kinh nghiệm: “Chúng tôi làm việc không đi lòng vòng. Cứ cơ quan nào bảo vệ, hỗ trợ được ND trong lúc khó khăn thì chúng tôi tìm đến. Tỉnh ủy Đồng Nai đã có văn bản đồng ý với chúng tôi các giải pháp đã tham mưu để hỗ trợ ND về chăn nuôi”.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Minh Hùng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An cho hay: “Lâu nay, nghe nói ND gặp khó khăn, cán bộ hội đi giám sát tình hình rồi về làm báo cáo gửi lòng vòng nội bộ. Phải gửi kiến nghị ngay và trực tiếp đến các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng cho bà con ND” - ông Hùng chia sẻ.
Các đại biểu cũng nhất trí trong thời gian tới triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội được xác định từ hội nghị lần thứ X, Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN (khóa VI).
“Nông nghiệp đóng góp GDP cao, nhưng đầu tư lại thấp” Tại hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đã chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn của Nhật Bản, Hàn Quốc sau khi ông cùng đoàn công tác T.Ư Hội NDVN vừa đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các nước này.
Chủ tịch Lại Xuân Môn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.K Chủ tịch Lại Xuân Môn cho biết, tại Nhật Bản, Hàn Quốc đều có quy hoạch vùng sản xuất, trồng cây gì và nuôi con gì, sau đó mới đầu tư làm hạ tầng (trong đó có đầu tư đường giao thông, điện, nước), rồi xác định giống, làm kho bảo quản gắn với các nhà máy chế biến. Còn về đầu tư cho nông nghiệp, Chủ tịch Lại Xuân Môn cho biết ở Nhật Bản nông nghiệp chỉ đóng góp 1,6% GDP nhưng họ lại đầu tư tới 10% GDP. Ở Hàn Quốc, nông nghiệp đóng góp 2% GDP nhưng lại được đầu tư đến 6% GDP. Còn ở Việt Nam nông nghiệp đóng góp gần 20% GDP nhưng đầu tư trực tiếp chỉ khoảng 5,6% GDP. “Các khu nông nghiệp công nghệ cao được nhà nước trợ cấp đến 30%, còn lại 70% được vay với lãi suất 1,3%/năm. Riêng Hàn Quốc, nông dân sản xuất cái gì thì nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các kho bảo quản” - Chủ tịch Lại Xuân Môn thông tin. Liên quan đến các chợ đấu giá nông sản, ở Hàn Quốc có 33 chợ đầu mối. Tất cả sản phẩm nông nghiệp đều được mang ra đấu giá công khai, thống nhất, đồng nhất một loại giá. Các doanh nghiệp đấu giá rồi đưa ra thị trường bán lẻ với giá chênh lệch không cao hơn bao nhiêu. Cách làm này vừa kích thích được người sản xuất vừa kích thích được tiêu dùng. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nhật, Hàn Quốc đều được đặt hàng từ viện nghiên cứu để sản xuất các loại giống có năng suất, chất lượng cao. Giống chỉ do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm ra. Đặc biệt, ở Hàn Quốc mỗi năm chi khoảng 1 tỷ USD cho các trung tâm nghiên cứu các loại giống và hiệu quả mang lại rất tốt. |