Đổi mới tư duy trong quản lý công trình thủy lợi

Nhiều hệ thống công trình thủy lợi hiện chỉ được thiết kế để phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại.
Hội thảo khoa học “Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo khoa học “Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp” do Tổng cục Thủy lợ i, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 26/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, ngành thủy lợi muốn phát triển bền vững vừa đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu vừa đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa trong nâng cao tính chủ động sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, ngành thủy lợi đang hoạt động theo cơ chế hành chính bao cấp. Để đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường; trong đó, cốt lõi phải huy động được sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, biến nước trở thành hàng hóa.

Mục tiêu đặt ra là phải huy động được nguồn lực, sự tham gia của các thành phần kinh tế xã hội tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Qua những cơ chế này sẽ giúp cho người nghèo, khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán do thiên tai sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn nước và ứng phó thiên tai.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều hệ thống công trình thủy lợi hiện chỉ được thiết kế để phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại. Các hệ thống chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa, phần lớn các cây trồng cạn chưa được tưới hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu và lãng phí nước. Việc xây dựng một số cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông đã làm cản trở việc thoát lũ, gây thêm áp lực cho các hệ thống công trình thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, cần nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác thủy lợi để huy động nguồn lực cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động dịch vụ thủy lợi. Khu vực tư nhân, các thành phần kinh tế khác và cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, chất lượng công trình sẽ được nâng cao, chống xuống cấp, bền vững và sử dụng nước tiết kiệm.

Bên cạnh đó, từng bước chuyển từ cơ chế “thủy lợi phi” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của nhiều người về công tác thủy lợi, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, nâng cao ý thực sử dụng nước tiết kiệm, coi thủy lợi là một dịch vụ hàng đầu vào cho sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, hiện hầu hết các công ty khai thác công trình thủy lợi được giao là chủ quản lý, khai thác công trình thủy lợi, tuy nhiên thực tế hoạt động có bất cập như không có thẩm quyền xử phạt. Do đó, cần phân rõ vai trò chủ quản lý và đơn vị khai thác công trình thủy lợi. Tách biệt giữa chủ quản lý công trình thủy lợi với đơn vị giao vận hành, khai thác dịch vụ từ công trình thủy lợi. Chủ quản lý công trình thủy lợi sẽ có chức năng quản lý toàn diện trong việc đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả khai thác công trình thủy lợi./.

Theo Bnews