Đời sống nâng cao, làng quê giàu đẹp nhờ xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, UBND tỉnh Hậu Giang đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, hành động, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyên truyền nên đến nay, bộ mặt nông thôn Hậu Giang đã đổi thay mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Giảm mạnh hộ nghèo

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng của tỉnh từng bước được cải thiện và kiên cố hóa; các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, số tiêu chí đạt được của các xã liên tục tăng…, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt”.

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 22,8%, xuống còn 8,4% (cuối năm 2014). Đây chính là tiền đề quan trọng, giúp Hậu Giang tiếp tục có những bước triển trong những năm tiếp theo.

 

Ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (hàng đầu đội mũ) đi thị sát tình hình xây dựng NTM tại huyện Châu Thành. Ảnh: CTV

Cũng theo ông Trần Công Chánh, Hậu Giang vốn là tỉnh đi lên từ nông nghiệp, vì vậy thời gian tới, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được lãnh đạo tỉnh xác định là trọng tâm  và đẩy mạnh phát triển triển theo chiều sâu, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đến thời điểm này, Hậu Giang đã có 12/54 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm hơn 22%); phấn đấu cuối năm nay có thêm 1 xã đạt chuẩn là Vị Thủy (huyện Vị Thủy). Đáng mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận thị xã Ngã Bảy đạt chuẩn NTM. Đây cũng là đơn vị NTM cấp huyện đầu tiên của tỉnh Hậu Giang và  toàn vùng ĐBSCL.

Hình thành các vùng chuyên canh đặc sản

Do đặc thù là tỉnh thuần nông nên đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thành lập các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu như vùng lúa chất lượng cao 32.000ha; vùng mía nguyên liệu 10.300ha; vùng khóm 2.000ha; vùng cây có múi đặc sản 10.000ha; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500 ha...

Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Để chương trình xây dựng NTM ngày càng phát huy hiệu quả, chúng tôi luôn duy trì việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia nâng chất các tiêu chí, đề ra nhiều giải pháp để giữ vững thành tích đạt được”.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. “Phong trào xây dựng NTM ở một số nơi vẫn còn lúng túng, nhất là việc xác định cơ cấu nguồn lực để bố trí kế hoạch. Công tác quản lý khai thác, vận hành các dự án đầu tư vào lĩnh vực NTM còn nhiều khâu yếu kém, việc duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật còn xem nhẹ... Thời gian tới, việc tái công nhận các tiêu chí, duy trì phát triển bền vững các tiêu chí đã đạt được cần quan tâm tổ chức thực hiện cho tốt”. 

 Thời gian qua, toàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được 1.183km đường nông thôn, trong đó xây dựng mới 895km đường nhựa và đường nông thôn, duy tu, sửa chữa 288km; xây dựng 857 cây cầu... Tổng kinh phí thực hiện hơn 1.600 tỷ đồng (ngân sách nhà nước chiếm 66%, nhân dân đóng góp chiếm 34%).  

Theo Đức Khánh/danviet.vn