Đổi thay diện mạo nông thôn Hà Nội
- Chủ nhật - 31/07/2016 20:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hà Nội đã có nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Viết Mạnh |
Nông thôn thay "áo mới"
Thôn Hương, xã Yên Trung (Thạch Thất) là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn vào thời điểm sáp nhập khi người dân chưa có điện thắp sáng, đường sá đi lại khó khăn... Nhưng sau đúng hai tháng từ thời điểm 1-8-2008, đường dây điện được kéo đến từng gia đình, giúp hơn 100 hộ dân có điều kiện áp dụng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để thoát nghèo. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Định, ở thôn Hương gần như hộ nào cũng nhận đất Nhà nước giao để trồng rừng, ngoài ra còn chăn nuôi nên kinh tế khá. Bản thân nhà ông Định nhận trồng 6,3ha rừng, dưới tán rừng ông nuôi 2 lợn nái, hàng chục lợn thịt, 10 con dê, 100 gà đồi cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Đinh Công Tuân cho biết, thành phố đã có chính sách quan tâm đặc biệt cho các xã dân tộc, miền núi thông qua Kế hoạch 166 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Tổng hợp từ năm 2008 đến nay, nguồn vốn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã hơn 100 tỷ đồng. Nhờ vậy, hệ thống trường học được đầu tư khang trang, thôn nào cũng có nhà văn hóa. Trước đây, hệ thống thủy lợi của xã hầu như không có, cây lúa hoàn toàn dựa vào thiên nhiên nên năm được, năm mất. Kể từ khi sáp nhập với Hà Nội, hệ thống kênh, mương, vai đập được đầu tư, năng suất lúa đã đạt 62 tạ/ha, không kém các xã vùng đồng bằng. Hiện xã Yên Trung đã có 17/19 tiêu chí đạt và đang nỗ lực để về đích NTM năm 2016.
Huyện Mê Linh, sau sáp nhập, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, đời sống nông thôn đổi thay nhanh chóng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Phó Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến cho hay, triển khai xây dựng NTM, toàn huyện đã cải tạo nâng cấp được 154km kênh mương, kiên cố hóa 38km đường ngõ xóm, cải tạo nâng cấp 61 trạm biến áp… Cùng với khu vực ngoại thành, huyện Mê Linh đã hoàn thành triển khai dồn điền đổi thửa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện Mê Linh là vùng chuyên canh rau, hoa trọng điểm của Thủ đô, giúp nông dân có thu nhập cao, tỷ lệ người dân có việc làm thường xuyên đạt gần 96%; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,9%.
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nông thôn
Chưa bao giờ nông thôn Hà Nội lại được quan tâm, đầu tư một cách đồng bộ như hiện nay. Cuối tháng 7 vừa qua, cùng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra kết quả Chương trình tại nhiều huyện, thị xã, chúng tôi thấy mỗi năm, khu vực nông thôn lại có những chuyển mình đi lên. Đi đến đâu cũng thấy cơ sở hạ tầng khang trang, những nhà văn hóa, trạm xá, đường giao thông được xây dựng... đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để có cơ sở xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, công tác quy hoạch phải đi trước một bước làm tiền đề để tổ chức thực hiện các nội dung tiếp theo. Thành phố đã sớm phê duyệt hàng loạt quy hoạch chuyên ngành và các đề án dự án liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Nhờ vậy việc xây dựng hạ tầng được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả... Sau hợp nhất cũng là lúc Thủ đô triển khai quyết liệt Chương trình xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2010-2015 là 63.553 tỷ đồng. Trong đó, riêng đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 là 34.465 tỷ đồng. Hàng nghìn tuyến đường giao thông nông thôn, hàng trăm trường học, nhà văn hóa thôn, trụ sở làm việc các xã đã được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Tròn 8 năm sau ngày hợp nhất, dù thời gian chưa phải dài, song cũng đủ để nhận thấy vùng nông thôn đã và đang được Hà Nội quan tâm, dành ưu tiên nguồn lực để đầu tư tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ. Người dân khu vực nông thôn đã được tiếp cận ngày một nhiều hơn với tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới vào sản xuất; triển khai thực hiện tốt các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn; sản xuất rau an toàn; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm... Đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân; một số sản phẩm đã tiếp cận được thị trường rộng rãi trong nước và hướng tới xuất khẩu như: Lúa chất lượng cao, sữa tươi, quả đặc sản, rau an toàn, hoa cây cảnh... tạo niềm tin yên tâm cho người sản xuất và tiêu dùng. Đến hết tháng 6-2016, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 33,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ... Với sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực vươn lên, nông thôn Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục có những đổi thay to lớn, tích cực hơn nữa.
Theo: hanoimoi.com.vn