Đổi thay ở Thủ đô Khu giải phóng

Đổi thay ở Thủ đô Khu giải phóng
Tân Trào (Sơn Dương) là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hiện tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,52%; thu nhập bình quân đạt 26,2 triệu đồng/người/năm. Đây thực sự là thành quả đáng tự hào sau 72 năm giành được độc lập của “Thủ đô Khu giải phóng”.
 

Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Trào chỉ còn chiếm 5,52 %; thu nhập bình quân đạt 26,2 triệu đồng/người/năm.

Tân Trào là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước - được Hồ Chí Minh chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây còn diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước...

Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, phát huy truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào đã đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và đảng viên, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình XDNTM cho người dân, từ đó nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Đoàn Báo Kinh tế nông thôn trong dịp đi thăm lán Nà Nưa.

Để tri ân với người dân quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bảo trợ xã Tân Trào XDNTM. Cùng với đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ thực hiện chương trình. Do vậy, đầu năm 2015, Tân Trào đã đạt chuẩn NTM, cũng là xã hoàn thành chương trình đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang.

Có thể khẳng định, thời gian qua, kinh tế - xã hội của xã Tân Trào có sự phát triển vượt bậc, nhất là kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên rõ rệt, từ 8,5 triệu đồng (năm 2011) lên 18,03 triệu đồng (năm 2015). Đến tháng 6/2017, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 26,2 triệu đồng/năm.

Nhà văn hóa thôn Tân Lập được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Kéo theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 10%/năm, từ 34,59% (năm 2011) giảm xuống còn 2,27%  (năm 2015); đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chiếm 5,52 % (còn 67 hộ nghèo); hộ cận nghèo giảm gần 12%/năm, từ 38% (năm 2011) xuống còn 2,03% (năm 2015), hiện còn 83 hộ cận nghèo, chiếm 6,84 %.

Trong sản xuất nông nghiệp, Tân Trào quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng và phát triển nhiều mô hình mẫu về phát triển kinh tế để nhân ra trên diện rộng. Từ đó, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức và cách thức sản xuất của người dân. Toàn xã hiện có 210ha lúa; 163ha ngô; 48,7ha cây màu các loại; sản lượng lương thực đạt 2.200 tấn, bình quân đầu người 454,0kg/năm; hệ số sử dụng đất ruộng đạt 2,5 lần.

Giờ đây Tân Trào là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Với sự quan tâm, bảo trợ của các tổ chức, cá nhân và UBND tỉnh Tuyên Quang cho xã Tân Trào 8,86 tỷ đồng để hỗ trợ cho 260 hộ gia đình xóa nhà tạm, khôi phục nhà sàn làng Văn hóa Tân Lập, đến nay số hộ gia đình có nhà ở kiên cố, đạt chuẩn theo quy định lên 79%; không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, dột nát.

Anh Nguyễn Văn Thuận ở thôn Vĩnh Tân chia sẻ: Trước đây, gia đình phải sống trong ngôi nhà gỗ bị mục nát, rất lo sợ mỗi khi có mưa bão. Đầu năm 2013, được chính quyền hỗ trợ 32 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm, gia đình vay của anh em, bạn bè xây dựng ngôi nhà kiên cố. Từ khi có nhà mới, gia đình  yên tâm sản xuất, cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Lĩnh vực giáo dục cũng đạt được kết quả đáng kích lệ, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường trên địa bàn xã đều đạt chuẩn, hoàn thành các mục tiêu cơ bản trong nhiệm vụ năm học, duy trì và giữ vững thành quả phổ cập giáo dục đã đạt được. Duy trì, củng cố vững chắc đơn vị trường đạt trường chuẩn Quốc gia, vận động 100% các em đến tuổi đều được đi học để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục các bậc học.

Không dừng lại ở đó, UBND xã Tân Trào luôn thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở gắn với công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn xã. Hiện nay Trạm Y tế xã có 15 giường bệnh, với tổng số 12 cán bộ. Năm 2017, Trạm Y tế đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới.

Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm gần đây, Tân Trào chủ  động chuyển đổi nhiều loại cây có giá trị thấp sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình canh tác chè an toàn.

Cụ Viên Thị Tháu, ở thôn Cả, tâm sự, chứng kiến xã có nhiều thay đổi tôi thấy mãn nguyện lắm. Trước đây chưa có đường bê tông, mùa mưa lầy lội đi lại khó khăn và rất mất vệ sinh do phân trâu, bò vương vãi. Giờ có đường bê tông thoáng rộng, sáng nào tôi cũng đi bộ cả cây số.

Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, cho biết, những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống  của người dân đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập đầu người từng bước được cải thiện. Ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã về XDNTM  thay đổi rõ rệt. Nhân dân đã thực hiện tốt công tác sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao.

Đình Tùng/kinhtenongthon.com.vn