Đổi thay ở một xã vùng sâu, vùng xa

Đổi thay ở một xã vùng sâu, vùng xa
Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Trúc, Bí thư Đảng ủy xã Long Bình phấn khởi nói về những thay đổi tiến bộ của nhân dân ở khu dân cư, nhất là khu 43 hộ của người đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 7 mà theo ông, là rất khó tác động, thay đổi tư duy bà con.

Đường giao thông ở Long Bình hôm nay

Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước là xã vùng sâu, vùng xa, thành phần dân cư chính là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống cả vật chất lẫn tinh thần đều còn rất khó khăn.

Tuy nhiên chính quyền xã vẫn từng bước đưa cuộc sống bà con nơi đây đi lên. Ấy là nhờ lãnh đạo các cấp ở xã biết cách “nói lọt lỗ tai” bà con và “nói đi đôi với làm”, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đổi thay ở thôn 7

Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Trúc, Bí thư Đảng ủy xã Long Bình phấn khởi nói về những thay đổi tiến bộ của nhân dân ở khu dân cư, nhất là khu 43 hộ của người đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 7 mà theo ông, là rất khó tác động, thay đổi tư duy bà con.

Về thôn 7, chúng tôi không khỏi vui mừng khi thấy thôn đã khoác lên mình chiếc “áo mới” rất đẹp. Những ngôi nhà sát nhau nằm dọc hai bên con đường dù chưa được trải nhựa hay bê tông nhưng rải đá rất sạch là những vườn cao su, vườn điều xanh mướt.

Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của khách, anh Nguyễn Thái Sơn, bí thư chi bộ thôn 7 nói: “Đồng bào thiểu số lâu nay vẫn sống và canh tác theo lối cũ, khá bảo thủ, nhưng nhờ Đảng ủy và các cấp chính quyền xã tuyên truyền kết hợp với xắn tay cùng làm với bà con nên bà con thấy lợi và làm theo. Hiện nay, ý thức của bà con rất tốt, họ chủ động làm chứ không thụ động chờ chính sách, chờ hỗ trợ của nhà nước”.

Thôn 7 có 184 hộ dân, trong đó có 43 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 80% dân số toàn xã nên thôn 7 là nơi khó khăn nhất về chất lượng cuộc sống so với các thôn khác.

Ở đây, bà con vẫn chưa được chuyển sang đất giao nên việc vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế còn khó khăn. Nhưng nhờ cách làm mới của chính quyền thôn, xã mà bà con hiểu được trách nhiệm làm chủ của mình, sẵn sàng đóng góp bằng vật chất hoặc lao động cho các công trình của thôn.

Đầu năm 2016, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân, chi bộ thôn và các tổ chức đã vận động các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng công trình cung cấp nguồn nước phục vụ đồng bào với kinh phí trên 200 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 70 triệu đồng và 50 ngày công lao động để đưa nguồn nước về từng hộ gia đình.

Ngay tại khu 43 hộ này cũng có một điểm trường Suối Minh của trường tiểu học Vừ A Dính, do người dân hiến đất và ngày công để xây dựng.

Cách đây 3 tháng, điểm trường mới được tu sửa với số tiền 97 triệu đồng và 100 ngày công lao động. Ông Nguyễn Văn Mông, năm nay ngoài 70 tuổi, nguyên trưởng thôn 7 là người đã hiến trên 700m2 đất để xây dựng điểm trường này.

 

Ông Nguyễn Văn Mông (trái) là người hiến hơn 700m2 đất cho chính quyền xã để làm điểm trường Suối Minh (trường tiểu học Vừ A Dính)

Gặp ông Mông tại điểm trường vẫn còn mùi gạch mới, ông nói: “Năm 2005, người dân ở đây còn khó khăn nhiều lắm, đường lúc đó chưa được như bây giờ, thương các cháu đi học xa nên tôi hiến 300m2 để xây 1 phòng học. Sau đó hiến thêm 400m2 nữa làm khuôn viên xung quanh cho các cháu có chỗ chơi”.

Chuyển “học tập” sang “làm theo”

“Tôi nghĩ, thành quả trong xây dựng NTM ở Long Bình chưa phải là điển hình, nhưng với điều kiện một xã nghèo, được như thế là thành công bước đầu rồi. Những thành quả này cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng và làm đúng, đó là muốn cùng bà con gắn kết thành một khối thì cán bộ, chính quyền phải gương mẫu, nói đi đôi với làm trước đã”, ông Lê Văn Trúc, Bí thư Đảng ủy xã Long Bình, huyện Phú Riềng.

Trước những thành quả đạt được của thôn 7, nhiều thôn khác trong xã cũng “sốt ruột” nên học tập làm theo. Tại thôn 4, tập thể cán bộ thôn cũng có những thành quả đầu tiên, đó là đưa công trình nhà văn hóa thôn đi vào hoạt động với nguồn kinh phí hoàn toàn do dân đóng góp trên 500 triệu đồng.

Còn tại thôn 5, bà con cũng hiến đến 2.300m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng trường Mẫu giáo Tuổi Thơ mới. Học tập thôn 4, nhân dân thôn 11 vận động xây dựng nhà văn hóa thôn, hoàn thành cuối năm 2015 trị giá 220 triệu đồng.

Cán bộ thôn 1, thôn 2 và thôn 3 đã vận động nhân dân đóng góp được 1,5 tỷ đồng cùng nhà nước làm được 3km đường nhựa và 200 trụ đèn chiếu sáng tại khu trung tâm trị giá trên 200 triệu đồng.

Hiện nay 11 thôn của xã Long Bình đều có nhà văn hóa thôn, đây chính là nơi tuyên truyền, sinh hoạt với người dân nhanh nhất. Đến nhà văn hóa thôn 7, mới bước vào cổng chúng tôi đã thấy ảnh Bác Hồ được treo trang trọng, bất cứ người dân nào đi qua cũng đều có thể nhìn thấy.

Anh Điểu Gié (31 tuổi) là đảng viên trẻ của thôn chia sẻ: “Mỗi lần đến nhà văn hóa thôn, người đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là Bác Hồ, điều này thật hạnh phúc, nhìn thấy Bác chúng tôi lại càng hăng say làm việc, cống hiến. Từ đó, mang những việc làm thiết thực nhất đến với người dân”.

Đánh giá về những thành quả trong xây dựng NTM ở Long Bình, Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Trúc cho rằng, vai trò của các đoàn thể xã là vô cùng lớn.

 

Nhà văn hóa thôn 7, xã Long Bình, một trong những thành quả từ việc “nói đi đôi với làm” của chính quyền thôn, xã

Điển hình như Hội Cựu chiến binh đã góp xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa tình đồng đội trị giá 120 triệu đồng, gây quỹ giúp nhau 942 triệu đồng cho 84 hội viên vay phát triển kinh tế gia đình; Đoàn thanh niên làm được 180m đường bê tông, trị giá 70 triệu đồng; Hội phụ nữ đóng góp xây dựng 3 căn nhà mái ấm tình thương cho hội viên nghèo khó khăn về nhà ở trị giá 60 triệu đồng, mỗi tháng hội đã vận động được 30kg gạo cùng với trường mầm non Long Bình nuôi 8 trẻ khuyết tật và một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền là 366 triệu đồng và 350kg gạo…

 

Theo Phúc Lập - Trang Hương (Nông nghiệp Việt Nam)